* LLVT Quân khu 4 chủ động ứng phó bão số 10
Sáng 14-9, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: Ứng phó bão số 10, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 4 chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện cơ động làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương nhanh chóng rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn, sẵn sàng sơ tán người dân và tài sản tại các địa điểm xung yếu. Các sư đoàn, lữ đoàn chủ lực Quân khu 4 sẵn sàng lực lượng cơ động khi có lệnh. Đại tá Trần Văn Sơn, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã điều động 80 cán bộ, chiến sĩ cơ động về các địa bàn trọng điểm, giúp người dân làm công tác chuẩn bị ứng phó bão số 10.
Các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đứng chân trên địa bàn khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, giảm thiên tai cho nhân dân khi bão đổ bộ. BĐBP các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình duy trì 100% quân số, kiểm tra phương tiện, thiết bị di chuyển xuống địa bàn đảm bảo mọi công tác chuẩn bị trước khi bão đổ bộ.
BĐBP Nghệ An giúp dân neo đậu tàu, thuyền tránh bão.
Đại tá Nguyễn Công Lực, Phó chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cho biết, sáng 14-9, đơn vị đã thực hiện lệnh cấm biển, tổ chức bắn pháo hiệu ở các cửa sông, cửa lạch. BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị tuyến biển trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn, giúp dân neo đậu tàu, thuyền.
Đại tá Cao Xuân Lý, Phó chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã thành lập các đoàn công tác về các địa bàn cùng các đơn vị cơ sở triển khai các biện pháp cụ thể trước khi bão đổ bộ. Hiện tại phần lớn quân số của đơn vị đang triển khai giúp dân neo đậu tàu, thuyền, chằng chống nhà cửa, chặt cây to nguy hiểm để tránh những hậu quả đáng tiếc khi bão đổ bộ.
Cũng như các địa phương khác, BĐBP Quảng Bình đang khẩn trương triển khai lực lượng về cơ sở để giúp dân chủ động đối phó với bão số 10. (TRẦN HOÀI-VIẾT LAM)
* Thừa Thiên - Huế hoàn thành việc kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn trước 12 giờ ngày 14-9
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Hơn 2.000 tàu, thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển và vùng đầm phá ở Thừa Thiên - Huế đã được kêu gọi vào bờ và sắp xếp trú ẩn tại các địa điểm an toàn; công việc này kết thúc vào trước 12 giờ ngày 14-9 để chủ động phòng chống bão số 10. Riêng xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) có gần 300 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 57 tàu đánh bắt xa bờ đã tập kết vào bờ an toàn. Âu thuyền Phú Hải sắp xếp cho hơn 300 tàu thuyền vào neo đậu, tránh trú bão số 10.
Các địa phương trong vùng tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, quản lý chặt chẽ tàu thuyền và tổ chức neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn, nhất là số ghe thuyền vùng bãi ngang hoạt động trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện... (TTXVN)
* Từ 7 giờ ngày 14-9 Nghệ An cấm tất cả tàu thuyền ra khơi
Trước dự báo cơn bão số 10 dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, tỉnh Nghệ An quyết định từ 7 giờ ngày 14-9 cấm tất cả tàu thuyền ra khơi.
Đại diện Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết đến sáng sớm 14-9 tại Nghệ An có hơn 900 phương tiện hoạt động tại các vùng ven biển trong tỉnh và hơn 220 phương tiện đang hoạt động ngoài tỉnh và vùng đánh cá chung.
Trong ngày 14-9 tỉnh Nghệ An quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung các giải pháp để kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn và hướng dẫn nông dân và các hộ nuôi trồng thủy sản thu hoạch nhanh các diện tích lúa, hoa màu, thủy sản tránh để thiệt hại xảy ra. Đến thời điểm này tại Nghệ An, nông dân đã thu hoạch được 9.474/36.228 ha lúa mùa, đạt 26,15%. (TTXVN)
* Hà Tĩnh hủy các cuộc họp không cấp thiết, tập trung chống bão
Cập nhật diễn biến của cơn bão số 10, tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương thông báo tất cả các tàu, thuyền đang hành nghề trên biển biết hướng đi và diễn biến của cơn bão và hướng dẫn tàu, thuyền về nơi trú ẩn an toàn. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công điện khẩn đến các đơn vị, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp hủy tất cả các cuộc họp không cấp thiết, tập trung phòng chống bão số 10-cơn bão có thể gây thiệt hại nặng cho địa phương khi đi vào vùng biển và đổ bộ vào đất liền.
Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 6.102 tàu, thuyền với hơn 17.670 lao động, trong đó có gần 1.900 tàu thuyền với 6.900 lao động đang đánh bắt hải sản trên biển. Tất cả các chủ tàu, thuyền đã nắm bắt thông tin và diễn biến cơn bão số 10. Tại các vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng và Quảng Ninh có 152 tàu với 875 lao động của tỉnh Hà Tĩnh vào tránh trú ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) và đảo Cô Tô (Quảng Ninh). Tại vùng biển Bình Thuận, Vũng Tàu có 3 tàu với 34 lao động của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nắm bắt thông tin; vùng biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi có 6 tàu với 36 lao động của Hà Tĩnh chủ động vào nơi tránh trú an toàn. Hiện nay, tại vùng ven biển và các cửa biển ở Hà Tĩnh như Cửa Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên), Cửa Khẩu (thị xã Kỳ Anh), lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ, tuyên truyền ngư dân không ra khơi khi thời tiết nguy hiểm.
Vào sáng 14-9, tại Hà Tĩnh đang có mưa nhỏ và mưa vừa, gió cấp 2 cấp 3 nên một số ngư dân chủ quan vẫn đánh cá vùng ven bờ. Trước tình hình đó tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các cấp chính quyền có ngư dân đánh bắt thủy, hải sản tập trung theo dõi, tuyên truyền người dân không nên ra khơi vì có thể bị lốc tố làm lật thuyền. Chính quyền và cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại các âu tránh trú bão, đảm bảo an toàn khi đã về bến neo đậu; nghiêm cấm tất cả các, tàu thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi. (TTXVN)
*Quân khu 5 thông báo cho gần 8.000 tàu cá chủ động di chuyển tránh bão số 10
Sáng 14-9, Phòng Cứu hộ-cứu nạn, Quân khu 5 cho biết, thực hiện điện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh Quân khu 5, các cơ quan, đơn vị trong LLVT Quân khu đã triển khai kịp thời các biện pháp nhằm chủ động ứng phó với bão số 10.
Tàu, thuyền của ngư dân các tỉnh miền Trung vào neo đậu tại Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang (TP Đà Nẵng).
Tính đến sáng 14-9, 7 tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có 7.924 tàu cá, với 61.933 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Hiện nay, tất cả các tàu cá nói trên đã được các đơn vị, địa phương thông báo diễn biến, hướng di chuyển của bão số 10 để chủ động di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm và có biện pháp bảo đảm an toàn.
Tại Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã phối hợp với Ban Quản lý Âu thuyền - Cảng cá Thọ Quang cùng chính quyền địa phương kiểm đếm, sắp xếp neo đậu cho các tàu trong và ngoài thành phố vào tránh, trú bão. (Tin, ảnh: VĂN CHUNG)
* Hải Phòng sẵn sàng các phương án chống bão
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hải Phòng đã ban hành Công điện gửi tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, quận và các ngành, đơn vị để chủ động ứng phó với cơn bão số 10 sắp đổ bộ vào Việt Nam.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng yêu cầu các ngành, đơn vị và địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão; thông báo kịp thời vị trí và diễn biến bão cho chủ phương tiện đang hoạt động trên biển để thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, đặc biệt là khu vực neo đậu quanh các đảo... (TTXVN)
* Thái Bình nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 10 giờ ngày 14-9
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, tỉnh Thái Bình nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 10 giờ ngày 14-9. Đến 18 giờ ngày 14-9, các địa phương phải hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn và trước 12 giờ ngày 15-9 hoàn tất việc sơ tán người dân sống tại các khu tập thể, nhà xuống cấp, khu vực xung yếu vào nơi an toàn. Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình tại cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 10 diễn ra sáng 14-9.
Chủ động ứng phó với cơn bão số 10, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra, tỉnh Thái Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị hoãn tất cả các cuộc họp và các hoạt động chưa cần thiết, phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan, đơn vị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 16 giờ ngày 13-9, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1.264 tàu, thuyền với 3.619 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản; trong đó có 99 phương tiện với 558 phương tiện đang hoạt động, neo đậu các bến ngoài tỉnh; 372 phương tiện với 1.269 lao động đang hoạt động ven biển tỉnh Thái Bình; 793 phương tiện với 1.792 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Tất cả các phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào đang hoạt động ở các vùng biển nguy hiểm. (TTXVN)
* Thanh Hóa còn 3 phương tiện tàu thuyền với 33 lao động chưa liên lạc được
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến 8 giờ ngày 14-9, còn 3 phương tiện tàu thuyền với 33 ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang đánh bắt thủy hải sản tại vùng biển Vịnh Bắc bộ vẫn chưa liên lạc được. Đó là các tàu của ông Lê Văn Lực, chủ tàu TH 91799 TS công suất 811 CV, trên tàu có 11 lao động; ông Lê Văn Sòng, chủ tàu TH 91645 TS công suất 811 CV, trên tàu có 11 lao động và ông Lê Văn Còng, chủ tàu TH 91646 TS công suất 811 CV, trên tàu có 11 lao động. Hiện chính quyền địa phương và gia đình đang tìm cách liên lạc với 3 tàu trên để kêu gọi vào nơi tránh trú an toàn.
Ngoài 3 tàu kể trên, toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.409 phương tiện nghề cá với 27.190 lao động, trong đó có 6.177 phương tiện với 20.232 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn tại các bến, bãi, âu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Thanh Hóa vẫn còn 1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, các phương tiện này đều đã liên hệ được với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời đã tìm được nơi tránh trú an toàn .
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 10 có thể đổ bộ vào Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch các trà lúa chín sớm để hạn chế thiệt hại với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". (TTXVN)
* Kon Tum yêu cầu các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện rà soát, kiểm tra mực nước
Nhằm chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 10, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa có công điện yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành của tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các đơn vị quản lý, vận hành các công trình thủy điện... triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cơn bão số 10.
Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau: Theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của cơn bão số 10; tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa bão trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, nắm chắc số phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống lụt bão ở địa phương và có phương án huy động phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố do thiên tai gây ra...
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố không đi công tác ngoài tỉnh, phân công tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn…
Các đơn vị: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh rà soát, thường xuyên kiểm tra mực nước, tình trạng an toàn các công trình do đơn vị, địa phương mình quản lý để tổ chức thực hiện công tác vận hành hồ chứa theo quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tuần tra canh gác 24/24, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu nếu có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra... (TTXVN)
* Quảng Nam khẩn trương kêu gọi tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn
Chủ động đối phó với bão số 10, sáng 14-9, Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam phối hợp với các địa phương ven biển khẩn trương triển khai biện pháp cấp bách để kêu gọi và hướng dẫn tàu thuyền đang làm ăn trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn nhằm tránh thiệt hại về người và tài sản
Thống kê của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, hiện tại trên vùng biển xa bờ có 218 tàu cùng 3.405 lao động, vùng biển gần bờ có 173 tàu với 503 ngư dân tỉnh Quảng Nam đang tham gia khai thác hải sản. Để giúp ngư dân chủ động ứng phó với bão số 10, các đồn biên phòng ven biển đã thông báo cho toàn bộ tàu thuyền đang ở khu vực gần bờ nhanh chóng đưa phương tiện vào bến neo đậu an toàn.
Cùng với việc khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang làm ăn trên biển tìm nơi trú ẩn an toàn, Bộ đội biên phòng cùng các ngành chức năng và các địa phương ven biển tỉnh Quảng Nam hướng dẫn cho 3.887 tàu thuyền đang neo đậu ven bờ nhanh chóng sắp xếp lại phương tiện một cách hợp lý để phòng chống gió bão gây va đập dẫn đến hư hỏng phương tiện. (TTXVN)
* 100% quân số BĐBP tỉnh Nghệ An sẵn sàng ứng phó bão số 10
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai công tác phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn.
Kêu gọi tàu, thuyền tránh trú bão an toàn.
Duy trì 100% quân số, phương tiện (tàu, xuồng, ca nô, ô tô... ) sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác triển khai phòng chống bão tại các đơn vị.
Chằng, chống tàu, thuyền tránh bão.
Đồng thời các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 10, khu vực nguy hiểm để chủ động phòng, tránh an toàn; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, thuyền; thống kê, báo cáo toàn bộ số người, tàu thuyền đánh cá đang hoạt động trên biển.
(Tin, ảnh: LÊ THẠCH)
* BĐBP tỉnh Thái Bình sẵn sàng ứng phó với bão số 10
Đại tá Nguyễn Văn Thuý, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thái Bình cho biết: Ngay sau khi kết thúc cuộc họp của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tất cả các cơ quan, đơn vị duy trì 100% quân số, bảo đảm phương tiện tàu, xuồng, ca nô, ô tô... sẵn sàng cơ động khi có tình huống xảy ra.
BĐBP tỉnh Thái Bình triển khai công tác chống bão số 10.
Các đơn vị biên phòng đứng chân trên địa bàn hai huyện Thái Thuỵ, Tiền Hải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan thông báo cho các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão số 10, khu vực nguy hiểm để chủ động phòng, tránh an toàn; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, thuyền; thống kê, báo cáo toàn bộ số người, tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thực hiện nghiêm lệnh cấm các loại tàu, thuyền và phương tiện vận tải ra khơi từ 10 giờ sáng ngày 14-9.
(Tin. ảnh: VĂN CƯƠNG)
* Quảng Trị cho học sinh nghỉ học từ chiều 14-9
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đang gấp rút triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 10; trong đó chú trọng di dân ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét, chằng chống nhà cửa, cho học sinh nghỉ học... nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu các sở, ngành dừng tất cả các cuộc họp để phòng chống bão. Học sinh tất cả các cấp trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong buổi chiều ngày 14-9 và ngày 15-9; giáo viên và học sinh cấp phổ thông trung học vận chuyển trang thiết bị trong trường học lên vị trí cao, chằng chống trường lớp an toàn, sử dụng bao nilông bao bọc tài liệu dễ hư hỏng đến nơi khô ráo.
Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, kiểm tra neo đậu tàu thuyền, tránh gây va đập khiến tàu thuyền hư hại; lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương kiểm tra, kiên quyết không để người dân sống trên tàu thuyền, tại các chòi canh và nuôi tôm; phát động nhân dân chằng chống nhà cửa...
Để đối phó với cơn bão số 10, công tác kêu gọi tàu thuyền được tỉnh Quảng Trị chú trọng; đã kêu gọi được 2.258 tàu, thuyền với 6.950 người về neo đậu tại các âu thuyền của tỉnh; có 15 tàu với 97 thuyền viên ngoại tỉnh đang neo đậu trên địa bàn. Hiện còn 54 tàu với 550 người của tỉnh Quảng Trị đang hoạt động xung quanh đảo Cồn Cỏ và khu vực vịnh Bắc bộ; công tác kêu gọi tàu thuyền vẫn đang được tiếp tục triển khai.
Tỉnh Quảng Trị đã thu hoạch được 93% diện tích lúa hè thu với gần 21.000ha, hiện trên địa bàn tỉnh còn gần 1.400ha lúa chưa thu hoạch xong. Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã huy động lực lượng và phương tiện, lực lượng Công an và Quân đội giúp dân thu hoạch lúa. (TTXVN)
* Đà Nẵng rà soát các khu dân cư ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các sở, ngành, các quận, huyện tập trung mọi lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão số 10 - cơn bão mạnh, tầm ảnh hưởng rộng. Lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố tập trung kêu gọi tàu, thuyền nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, cấm tàu thuyền ra khơi; đồng thời tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền an toàn, không để xảy ra thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền. Các ngành, địa phương chú trọng đảm bảo an toàn các hồ, đập; tập trung theo dõi chặt chẽ để có biện pháp di dời dân ở các khu vực trũng, thấp khi có lũ quét xảy ra.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải và UBND huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; tổ chức trực ban tại khu vực các hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình.
Thực hiện công tác phòng, chống bão số 10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có các công điện yêu cầu nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ ngày 13-9; đề nghị các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý thông tin đến người dân sống tại ven sông Túy Loan và Cu Đê để người dân biết tin cảnh báo mưa lớn và có biện pháp chủ động ứng phó. (TTXVN)
* Hà Tĩnh sơ tán gần 11.000 hộ dân tại các huyện ven biển
Sáng 14-9, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã ký lệnh sơ tán gần 11.000 hộ dân với hơn 47.400 người tại các huyện ven biển nhằm tránh trú bão số 10.
Theo đó, các huyện ven biển như Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân, Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh và Khu Kinh tế Vũng Áng huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức di dời dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn; thời gian sơ tán dân xong trước 17 giờ ngày 14-9. (TTXVN)
* Các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Sáng 14-9, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến về các giải pháp khẩn cấp ứng phó với bão số 10.
Ngay sau hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã vào Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo chống bão.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả thì thiệt hại sẽ rất lớn; đánh giá cao sự chủ động của các cơ quan, lực lượng chức năng, của người dân trong triển khai các biện pháp ứng phó.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến.
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải có phương án cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước hết tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển; tiếp tục kiểm đếm, thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu khai thác thuỷ sản, tàu vận tải, tàu du lịch,…) biết diễn biến của bão, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
“Đây là trách nhiệm của các Đài thông tin duyên hải, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, chính quyền địa phương ven biển và gia đình các chủ tàu”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu phải chủ động triển khai phương án bảo đảm an toàn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất của các lực lượng vũ trang hoạt động trên biển, các vùng biển đảo, các nhà giàn.
Đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14-9.
“Khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động triển khai các biện pháp gia cố cần thiết để bảo vệ các tuyến đê biển, đê cửa sông, đặc biệt là các khu vực xung yếu, công trình đang thi công. Những việc này phải hoàn thành trước khi bão ảnh hưởng đến ven biển vào trưa ngày 15-9.
Trong đất liền, Phó thủ tướng yêu cầu nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa đã chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất. Khi cần thiết, huy động lực lượng vũ trang, thanh niên,... hỗ trợ nhân dân thu hoạch.
Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, công trình, đặc biệt lưu ý đối với những thiết bị, công trình dạng cột, tháp cao như cần cẩu, tháp truyền hình, cột ăng ten có chiều cao lớn, biển quảng cáo cỡ lớn, hệ thống lưới điện,…; chủ động chặt tỉa, có biện pháp bảo vệ cây xanh để hạn chế thiệt hại, nhất là tại các đô thị.
Các Bộ, ngành, địa phương được yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện; chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, đường hàng không tại các khu vực bão ảnh hưởng trực tiếp.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời người dân; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy xiết. Đồng thời, yêu cầu Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn duy trì ứng trực, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, bảo đảm toàn cho người và tài sản, an ninh tại các khu vực người dân sơ tán.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục tăng cường thông tin, cập nhật kịp thời diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó, tránh chủ quan. (TTXVN)
* Phú Yên hướng dẫn tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên: Hiện 556 tàu cá của ngư dân tỉnh Phú Yên với 3.100 lao động hoạt động trên biển đều đã liên lạc được với các đồn biên phòng hoặc gia đình để nhận thông tin về cơn bão số 10 và có biện pháp ứng phó phù hợp.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo các đồn biên phòng và Hải đội 2 phân công cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc, đồng thời thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã, phường, thị trấn ven biển thông báo diễn biến cơn bão số 10 đến ngư dân; hướng dẫn các tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Hiện một chiếc tàu vận tải quốc tịch Mông Cổ với 16 thủy thủ trên hải trình chở 3.115 tấn gạo từ Cần Thơ ra đã xin tránh trú bão tại vùng biển Phú Yên đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên tạo điều kiện neo đậu an toàn ở vị trí cách cửa đầm Cù Mông khoảng 2 hải lý. (TTXVN)
* Nam Định chủ động phương án di dời dân ở khu vực cửa sông, ven biển vào nơi an toàn
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, tỉnh Nam Định đang tập trung triển khai các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp bão đổ bộ vào địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị hơn 43.500 m3 đá hộc, hơn 2.700 rọ thép, hơn 527.300 bao nilon để gia cố đê, kè khi có yêu cầu.
Theo kịch bản ứng phó với bão, trong trường hợp bão cấp 10 đổ bộ trực tiếp, toàn tỉnh Nam Định sẽ phải sơ tán 32.350 người. Trường hợp bão cấp 11-12 đổ bộ trực tiếp, Nam Định sẽ sơ tán 147.032 người.
Nam Định hiện có 2.057 tàu thuyền với 5.588 lao động; trong đó, 634 tàu đánh bắt xa bờ với 2.652 lao động. Hiện Nam Định đã có 866 phương tiện với hơn 2.130 lao động vào neo đậu tại cảng cá, bến cá trong tỉnh. Tỉnh cũng có 578 phương tiện với 1.740 ngư dân đang hoạt động đánh bắt, hoạt động vào neo đậu trong vùng biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh. (TTXVN)
* Lập các đội cấp cứu cơ động đảm bảo công tác y tế trong bão số 10
Trước diễn biến của bão số 10, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão chủ động sẵn sàng nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra.
Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh; khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão; lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão và các đơn vị tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, cập nhật thông tin và gửi báo cáo nhanh về Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế qua số điện thoại: 024.62732027; fax 024.62732207; Email: pcttbyt@gmail.com (THÁI SƠN)
* Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh giúp dân gặt lúa tránh bão số 10
Để giảm thiệt hại do bão số 10 gây ra, ngày 14-9, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Trung đoàn 841, Ban CHQS huyện Hương Sơn huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ cơ động về xã Sơn Trung, huyện Huơng Sơn giúp bà con thu hoạch lúa.
Bộ đội gặt lúa giúp dân tránh bão.
Huyện Hương Sơn là địa phương có diện tích lúa hè thu lớn của tỉnh Hà Tĩnh trong đó nhiều nhất là xã Sơn Trung với 120 ha lúa.
Ông Trần Song Hào, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn nói: “Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng ”, bà con cùng cán bộ, chiến sĩ đã đưa lúa về nhà trước khi bão đến”. (Tin, ảnh: VĂN ĐỨC-HOA LÊ)
* Quảng Bình sẵn sàng phương án "bốn tại chỗ"
Chủ động ứng phó với bão số 10, ngày 14-9, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn và chủ động công tác phòng chống bão.
Do ảnh hưởng của bão số 10, trong sáng 14-9, tại Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to. UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai công tác phòng chống, sẵn sàng ứng phó với bão số 10.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, tính đến 9 giờ ngày 14-9 đã có 4.009 tàu cá với 17.162 thuyền viên vào bờ trú, tránh bão an toàn.
Hiện Quảng Bình còn 569 tàu với 4.641 lao động đang hoạt động trên biển, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa – Vũng Tàu. Các đồn Biên phòng dọc bờ biển Quảng Bình đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu và thuyền trưởng thông báo cho những phương tiện đang hoạt động trên biển về nơi trú, tránh bão an toàn.
UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; sẵn sàng di dời khoảng 20 ngàn hộ với hơn 76 ngàn người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, vùng ven biển, vùng đồi núi và khu vực dễ bị sạt lở đất. Các địa phương thực hiện phương án "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với bão số 10; ngăn cấm không cho tàu thuyền ra khơi đánh cá trong những ngày sắp tới. Đồng thời tuyên truyền và kiểm tra công tác phòng chống, chằng chống nhà cửa tại các khu dân cư. Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn cho học sinh nghỉ học trong những ngày bão đổ bộ… (TTXVN)
* Sư đoàn 324 triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão số 10
Ngay sau khi nhận được công điện của Bộ tư lệnh Quân khu 4, Sư đoàn 324 đã quán triệt đầy đủ, kịp thời và triển khai mọi công tác chuẩn bị nghiêm túc, chặt chẽ đến 100% cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị.
Gia cố mái nhà để tránh thiệt hại khi bão tới.
Ngay trong sáng 14-9, Sư đoàn 324 tiếp tục có công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ứng phó với bão số 10. Theo đó, các đơn vị trong toàn Sư đoàn tạm dừng công tác huấn luyện để tập trung làm công tác chuẩn bị phòng chống cơn bão số 10 và chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật chất hậu cần như lương thực, thực phẩm, tài chính, nước ngọt, áo phao, sọt đá. Tổ chức chằng chống nhà cửa, cây cối, chuồng trại, khu tăng gia, kiểm tra đường dây điện... Không để bộ đội ngủ ở nhà tạm, nhà xuống cấp, những nơi không đảm bảo an toàn. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhất là lực lượng đi đầu, sẵn sàng tham gia sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh của trên. (LÊ TƯỜNG HIẾU)
* Quân dân Thanh Hóa sẵn sàng ứng phó với bão số 10
Trước những diễn biến nguy hiểm của cơn bão số 10, nhằm giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi mưa bão đổ bộ vào địa bàn, Bộ CHQS Thanh Hóa đã tổ chức 4 Sở chỉ huy phía trước tại các huyện: Bá Thước, Hậu Lộc, Thọ Xuân và Tĩnh Gia, để tiện cho việc chỉ huy điều động lực lượng, phương tiện khi có tình huống.
Chỉ đạo 27/27 Ban CHQS huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão, TKCN, có các phương án cụ thể hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.
Chỉ đạo 6 huyện, thành phố ven biển (Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Sầm Sơn, Tĩnh Gia) phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng thông báo và kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.
13 giờ ngày 14-9 hơn 200 cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã cơ động về 5 xã của huyện Triệu Sơn giúp nhân dân thu hoạch lúa tránh bão, với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. (KHÁNH TRÌNH)
* Cứu 11 thuyền viên gặp nạn trên biển khi đang đi tránh bão
Trên hành trình đi tránh trú bão số 10, tàu ĐNa 90875 TS do ông Nguyễn Cu thường trú tại số 23 đường Đào Duy Kỳ, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, bị hỏng máy lúc 9 giờ ngày 14-9 ở vùng biển Thừa Thiên-Huế.
Dưới tác động của gió bão, tàu hiện đang trôi dạt về phía Đông với tốc độ nhanh (gần 3 hải lý/giờ). Thời tiết khu vực đang diễn biến rất phức tạp, sóng cao 3 đến 4 mét do ảnh hưởng của cơn bão số 10 đang tiến vào đất liền, 11 thuyền viên trên tàu hoang mang hoảng loạn vì tàu mất khả năng cơ động, hoàn toàn không có khả năng chống đỡ trước gió bão, thuyền trưởng đã liên lạc yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đã lập tức cho phát thông báo hàng hải khẩn cấp, giữ liên lạc với tàu, động viên trấn an tinh thần thuyền viên, đồng thời phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng kêu gọi tàu thuyền gần khu vực hỗ trợ.
Trước tình hình bão số 10 đang áp sát, tính mạng 11 thuyền viên đang bị đe dọa, quanh khu vực tàu bị nạn không có tàu thuyền đến hỗ trợ. Thực hiện chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam ngay lập tức điều động tàu SAR 412 tại Đà Nẵng đi cứu nạn.
Sau nhiều giờ chạy đua với thời gian, trong điều kiện sóng gió vô cùng khắc nghiệt, tàu SAR 412 đã cứu được 11 thuyền viên và hỗ trợ lai dắt đưa tàu ĐNa 90875 TS cập cảng X50 - Đà Nẵng an toàn vào lúc hơn 14 giờ cùng ngày. (TTXVN)
* Thái Nguyên khuyến cáo chuẩn bị đủ nguồn thức ăn cho gia súc, không chăn thả trong rừng
Chủ động ứng phó với bão số 10 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cùng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10, thông báo tình hình mưa, lũ có thể xảy ra trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền và người dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
UBND tỉnh Thái Nguyên khuyến cáo người dân chuẩn bị đủ lượng thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc, gia cầm trong những ngày mưa bão (ít nhất 10 ngày); gia cố chuồng trại và có phương án di dời đàn gia súc, gia cầm lên cao, tránh những nơi có nguy cơ ngập úng, khẩn trương đưa đàn gia súc chăn thả trong rừng về nơi tránh bão an toàn. Tỉnh cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa nước, đặc biệt là hồ chứa có nguy cơ mất an toàn. Đối với hồ Núi Cốc cần thường xuyên theo dõi mực nước, vận hành điều tiết theo quy định. (TTXVN)
* Hà Tĩnh huy động 3.000 đoàn viên thu hoạch 1.300 ha lúa còn lại trước khi bão về
Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 10 gây ra, ngày 14-9, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động 3.000 đoàn viên thanh niên ra quân giúp nhân dân phòng chống bão.
Theo đó, 100% đoàn xã, phường, thị trấn kịp thời kiện toàn các Đội thanh niên tình nguyện sẵn sàng ứng phó, cứu trợ. Riêng sáng 14-9, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã huy động hơn 3.000 đoàn viên, thanh niên tham gia giúp dân phát quang cây xanh, chằng chống nhà cửa, bảo vệ cây trồng (đặc biệt là các loại cây ăn quả), neo đậu tàu, thuyền về nơi an toàn.
Theo thống kê từ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, đến chiều 14-9, toàn tỉnh đã thu hoạch đạt 97% diện tích lúa hè thu. Như vậy, còn ít nhất gần 1.300 ha lúa chưa thu hoạch được trước khi bão số 10 có thể đổ bộ vào Hà Tĩnh. Trước tình hình trên, các đội thanh niên tình nguyện đã khẩn trương giúp người dân thu hoạch lúa, tránh tổn thất do bão gây ra. (TTXVN)
* Mưa to kèm gió lớn bắt đầu xuất hiện, học sinh Quảng Bình nghỉ học từ ngày 15-9 để đảm bảo an toàn
Ngày 14-9, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết: Bão số 10 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền tỉnh Quảng Bình. Đây được xem là cơn bão mạnh nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây đổ bộ vào nước ta. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho học sinh và cán bộ, giáo viên, chiều 14-9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đã có công văn khẩn gửi các Phòng Giáo dục và Đào tạo, đơn vị, trường học trực thuộc trên toàn tỉnh yêu cầu cho toàn bộ học sinh nghỉ học để phòng tránh cơn bão số 10.
Cụ thể, các trường học trong tỉnh cho học sinh nghỉ học từ ngày 15-9. Trong những ngày có bão, Ban Giám hiệu và lực lượng xung kích của các trường trực 24/24 giờ để giải quyết những sự cố phát sinh; tổ chức lực lượng trực để đảm bảo thông tin thông suốt với cấp trên, thông báo kịp thời những hiệu lệnh của Ban Giám hiệu đến giáo viên và học sinh. Các trường, điểm trường, phòng học nơi thấp cần liên hệ trước với những nơi có nhà cao tầng để chủ động trong việc sơ tán tài sản, không để tình trạng tài sản bị hư hỏng do thiên tai. Các trường phải thông báo, quán triệt tới tất cả các bậc phụ huynh học sinh không đưa trẻ đến trường trong những ngày có bão. Các trường báo cáo, xin ý kiến từ Sở Giáo dục và Đào tạo và chỉ tổ chức cho học sinh đi học lại khi tình hình tuyệt đối an toàn.
Đến 17 giờ 30 phút ngày 14-9, mưa to kèm gió lớn đã xuất hiện trên diện rộng tại các địa phương trong tỉnh Quảng Bình. (TTXVN)
* Nghệ An: Học sinh nghỉ học từ chiều 14-9
Nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ trong cơn bão số 10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An đã ra công văn khẩn cho toàn bộ học sinh trên địa bàn nghỉ học từ 15 giờ ngày 14-9 đến khi bão tan (dự kiến ngày 16-9).
Theo đó, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc chỉ đạo các cơ sở trực thuộc chỉ đạo các trường học thông báo đến từng trẻ, học sinh lệnh nghỉ học và dừng mọi hoạt tại nhà trường trong thời gian bão số 10 tràn vào đất liền. Việc học bù những ngày nghỉ do bão, các trường bố trí phù hợp với tình hình địa phương. (TTXVN)
* Hành khách cần cân nhắc trước khi đi tàu do ảnh hưởng của bão số 10
Nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách và tàu đi qua khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 (có tên gọi Doksuri) từ tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị, chiều 14-9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có thông báo mới.
Theo đó, để phục vụ hành khách, ngành đường sắt vẫn tiếp tục duy trì việc tổ chức chạy tàu. Tuy nhiên, hành khách đi các tàu SE7, SE5, SE9 xuất phát Hà Nội ngày 15-9 và các tàu SE2, SE4, SE10 xuất phát TP Hồ Chí Minh ngày 14-9; các tàu SE8, SE6, SE10 xuất phát TP Hồ Chí Minh ngày 15-9; tàu SE20 xuất phát Đà Nẵng ngày 15-9 có hành trình đi qua khu vực bão đổ bộ cần cân nhắc trước khi đi tàu vì các tàu trên có thể phải dừng hoặc chuyển tải dọc đường do ảnh hưởng của bão.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nếu hành khách tiếp tục đi tàu thì các đoàn tàu có thể phải dừng tại ga Vinh (các tàu SE7,SE5, SE9) và ga Huế (các tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE20) là ga cuối cùng để tránh đoàn tàu đi vào vùng tâm bão và chạy lại khi điều kiện cho phép. Trong thời gian dừng tàu tránh bão, hành khách sẽ được phát suất ăn và nước uống miễn phí trên tàu.
Nếu hành khách không tiếp tục hành trình đi tàu sẽ làm thủ tục trả vé tại các nhà ga và các điểm bán vé. Ngành đường sắt sẽ hoàn lại nguyên tiền vé cho hành khách. (NGUYỄN NĂM)