Chiều 28-12, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị Tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2022 và Triển khai kế hoạch năm 2023. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lương Văn Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết: Cùng với việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, năm 2022, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục triển khai xây dựng Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045”. Đề án này đã được Bộ Chính trị thông qua Kết luận số 36-KL/TW ngày 23-6-2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, Tổng cục đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị. Kế hoạch này đã được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt tại Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 23-12-2022.
 |
Toàn cảnh hội nghị chiều ngày 28-12. |
Cũng trong năm 2022, Tổng cục đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai thực hiện các đợt điều tiết nước từ các hồ thủy điện phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân năm 2021-2022 ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ. Kết quả đảm bảo cấp nước cho 506.558ha lúa với tổng lượng nước điều tiết qua 3 đợt xả 4,24 tỷ mét khối, tiết kiệm được khoảng 1,33 tỷ mét khối so với tổng lượng nước xả dự kiến. Con số này vô cùng có ý nghĩa trong việc tiết kiệm được nguồn nước để phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, phát điện các tháng trong năm.
Riêng đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xâm nhập mặn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng do được dự báo sớm, kịp thời đẩy sớm thời vụ và điều tiết nguồn nước của các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý nên xâm nhập mặn không gây thiệt hại đáng kể đối với sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay: Năm 2022, Tổng cục Thủy lợi đã xây dựng thành công Đề án “An ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2045 đã trình Bộ Chính trị; đây là công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thủy lợi trong thời gian tới. Cùng với đó, Tổng cục đã thực hiện xây dựng quy hoạch cơ bản hệ thống công trình thủy lợi quốc gia. Việc điều tiết nước từ các hồ thủy điện phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân hằng năm ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ ngày càng tốt hơn, tiết kiệm được nước cho các hồ thủy điện. Thứ trưởng cũng yêu cầu Tổng cục Thủy lợi (sắp tới là Cục Thủy lợi) trong năm 2023, cần tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch hành động của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch thủy lợi quốc gia.
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 23-6-2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn Kết luận số 36:
Nguồn nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia và sinh kế của người dân, bảo vệ nguồn nước chính là bảo vệ sự sống.
Sáng 9-11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Thủy lợi Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.