Theo đó, sáng 19-7, bão WIPHA đã đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3 với cường độ cấp 9, giật cấp 12. Dự báo bão tiếp tục mạnh thêm và ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, khả năng gây mưa lớn diện rộng trong những ngày tới.
Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, thành phố nêu trên báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19-7 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc ứng phó với bão trên Biển Đông.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, các vị trí đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang để đảm bảo an toàn, nhất là trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài gây lũ trên hệ thống sông. Tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6-1-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu.
 |
Kè chống sạt lở bờ hữu sông Bưởi thuộc tuyến đê bao Thạch Định, thôn Định Hưng, xã Kim Tân (Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN |
13 Sở Nông nghiệp và Môi trường khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để hộ đê; kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị và chủ động ứng phó với các sự cố, tình huống có thể xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để phối hợp chỉ đạo.
* Bộ Nông nghiệp và Môi trường có Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19-7 gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk, yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Đối với tuyến biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk, các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, tổ chức kiểm đếm và thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi và phạm vi ảnh hưởng của bão để kịp thời phòng tránh, không di chuyển vào vùng nguy hiểm. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên biển được xác định từ 18,0 đến 23,0 độ Vĩ Bắc, phía đông kinh tuyến 114,5 độ Kinh Đông (có thể thay đổi theo các bản tin dự báo).
Bên cạnh đó, cần triển khai công tác bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, tài sản tại các điểm du lịch, khu vực nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, các công trình ven biển và trên đảo. Các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để chủ động cấm biển, di dời người dân tại các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản về nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.
Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, các tỉnh đồng bằng được yêu cầu rà soát và sẵn sàng sơ tán dân khỏi các khu vực có nguy cơ ngập sâu, ven sông, cửa sông, vùng ven biển; bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, đặc biệt tại các vị trí xung yếu hoặc đang thi công.
Các địa phương cần chỉ đạo tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và hạ tầng đô thị, khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; tổ chức chằng chống, gia cố nhà cửa, công trình công cộng, dự án đang thi công; bảo đảm hoạt động hệ thống viễn thông và điện lực ổn định trước, trong và sau bão.
Tại các tỉnh miền núi, lực lượng xung kích cần kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông suối, vùng trũng thấp có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét; khơi thông dòng chảy bị tắc nghẽn; thông báo kịp thời tới người dân và chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm.
Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các ngầm tràn, tuyến đường ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, kiên quyết không để người và phương tiện lưu thông nếu không bảo đảm an toàn. Các địa phương cũng cần rà soát, bảo đảm an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, hồ chứa, nhất là hồ chứa nhỏ, hồ xung yếu, thủy điện nhỏ; bố trí trực vận hành, sẵn sàng xử lý các sự cố.
TẠ TUẤN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.