Theo tờ South China Morning Post, tuy có chung đường biên giới với Trung Quốc-nơi đầu tiên xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trên thế giới, nhưng nhờ kết hợp “hành động sớm và quyết đoán, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly kiên quyết cùng với sự đoàn kết trong xã hội” nên cho đến nay, Việt Nam đã tránh được những hậu quả nặng nề. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, số người hiện đang phải cách ly, theo dõi sức khỏe vì dịch Covid-19 tại Việt Nam là hơn 75.000 người. Việt Nam đã thực hiện hơn 121.000 xét nghiệm và chỉ ghi nhận hơn 260 ca nhiễm Covid-19. “Việt Nam đã nhận được sự ca ngợi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong ứng phó với đại dịch Covid-19”, bài viết nhấn mạnh.

Người dân được lấy máu xét nghiệm tại một trạm xét nghiệm nhanh Covid-19 ở Hà Nội hồi tháng 3-2020. Ảnh: EPA. 

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam tin rằng hành động sớm đóng vai trò quan trọng vào thành công trong kiểm soát dịch Covid-19. “Việt Nam đã phản ứng sớm và chủ động với sự bùng phát dịch bệnh này. Việt Nam đã bắt đầu tiến hành đánh giá nguy cơ dịch bệnh từ đầu tháng 1, ngay sau khi Trung Quốc bắt đầu ghi nhận các ca nhiễm”, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post. Ông Kidong Park cũng cho biết thêm rằng, sau đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và “một kế hoạch ứng phó cấp quốc gia ngay lập tức được thực hiện”.

Theo South China Morning Post, để ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam đã cho tạm đóng cửa các trường học trên cả nước từ cuối tháng 1 và bắt đầu từ giữa tháng 3, hàng chục nghìn người từ vùng dịch nhập cảnh vào Việt Nam đã được đưa đến các cơ sở cách ly tập trung bắt buộc của quân đội. Từ ngày 25-3 vừa qua, các hãng hàng không của Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay quốc tế. Cùng với đó, đa số các chuyến bay nội địa, vận tải hành khách bằng đường sắt và xe buýt cũng tạm ngừng...

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, việc Việt Nam rà soát “theo lớp” các trường hợp tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 đã chứng tỏ vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. “Lớp đầu tiên là cách ly và điều trị tại bệnh viện đối với những người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc những người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm bệnh. Bất kỳ ai tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2 đều bắt buộc phải bị cách ly. Tiếp đến, những người khác tiếp xúc với những người này cũng cần phải tự cách ly. Lớp cuối cùng là khu phố hoặc tòa nhà nơi ghi nhận ca dương tính với virus SARS-CoV-2 cũng bị cách ly”, South China Morning Post dẫn lời ông Kidong Park.

South China Morning Post cho biết tuy số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp nhưng vào ngày 1-4 vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện “cách ly xã hội” trên phạm vi toàn quốc. Đây là một biện pháp ứng phó “nhanh chóng và quyết liệt hơn” so với nhiều quốc gia khác nhằm “ngăn chặn một cuộc khủng hoảng quốc gia có thể tránh được”. Ngày 10-4, một người đàn ông tại tỉnh Quảng Ninh đã bị kết án 9 tháng tù giam vì không đeo khẩu trang và chống người thi hành công vụ trong thời gian “cách ly xã hội”.

South China Morning Post cho rằng Việt Nam có được thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 phần lớn là nhờ vào sự đoàn kết trong xã hội. Việt Nam xem các nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 như là “cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020”. Chia sẻ với tờ South China Morning Post, cô Nguyễn Vân Trang, một chuyên gia kinh tế tại Hà Nội cho biết, kể từ khi Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ chiến tranh cho đến nay, bố mẹ cô chưa bao giờ thấy được “mức độ tuân thủ, kỷ luật và đoàn kết cao đến như vậy”.

Trong khi đó, theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,  Bộ Y tế, Việt Nam chưa có lây lan cộng đồng mạnh nên những người cao tuổi bị nhiễm Covid-19 còn ít. “Bệnh nhân của chúng ta đang ít nên chúng ta đang có đủ phương tiện, thuốc men và bác sĩ để điều trị. Thêm vào đó, chúng ta đã có kinh nghiệm trong xây dựng phác đồ điều trị các bệnh dịch”, South China Morning Post dẫn đánh giá của PGS, TS Nguyễn Huy Nga trên mạng xã hội Lotus. Từ đánh giá của PGS, TS Nguyễn Huy Nga, bài viết của South China Morning Post không quên đề cập việc hồi năm 2003, Việt Nam từng là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm SARS nhưng đồng thời cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO xác nhận khống chế được đại dịch này.

HOÀNG VŨ