Khi diễn biến dịch Covid-19 ngày càng trở nên phức tạp, tất cả mọi người đều phải đối mặt với những vấn đề như: Chúng ta sẽ phải cách ly bao lâu? Khi nào đại dịch sẽ đạt đỉnh điểm? Thời điểm nào thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ?

Nhưng điều rõ ràng mà tất cả chúng ta đều biết: Người già là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nhất đối với căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đa phần những người trẻ tuổi lại không có bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn đầu mắc bệnh. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người cao tuổi trong cộng đồng bởi vì họ có thể bị nhiễm virus từ lớp trẻ.

Italy đã chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 gây ra, với hơn 115.000 ca nhiễm bệnh và khoảng gần 14.000 người tử vong tính đến ngày 3-4. Các nhân viên y tế đã rất khó khăn khi phải đưa ra quyết định về việc sẽ ưu tiên điều trị cho ai khi nước này còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt các thiết bị y tế trầm trọng.

Italy là một tâm điểm dịch Covid-19 ở châu Âu. Ảnh: Euro News.

Trong một bài báo mới đăng trên Tạp chí Demographic Science, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford của Anh đã đưa ra 2 lý do dẫn đến sự bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng tại Italy, đó là: Đất nước này có tỷ lệ dân số già cao thứ hai trên thế giới, và những lớp người trẻ tuổi lại có xu hướng sống chung với thế hệ người cao tuổi trong gia đình, như cha mẹ và ông bà của họ. Nghiên cứu về vấn đề này sẽ giúp các quốc gia tìm ra phương pháp tối ưu để đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như hạn chế sự lây lan của virus trong cộng đồng.

Italy có 23% dân số trên 65 tuổi. “Tuổi thọ kéo dài đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi cấu trúc dân số”, theo bà Jennifer Beam Dowd, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Oxford. Tuy nhiên, nỗ lực kéo dài tuổi thọ lại khiến người dân Italy có xu hướng sinh ít con hơn là mang ý nghĩa giúp họ sống lâu hơn.

Trong khi đó, đối tượng dân số trẻ ở Italy có xu hướng tương tác rất nhiều với những người lớn tuổi. Họ có thể sống với cha mẹ và ông bà của họ ở nông thôn và đi làm ở các thành phố lớn. Dữ liệu về thành phần của các hộ gia đình tại Italy cũng có xu hướng phát triển theo hướng này.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng, việc di chuyển thường xuyên giữa các thành phố và nhà ở có thể đã làm trầm trọng thêm sự lây lan của dịch bệnh. Những người trẻ tuổi làm việc và tiếp xúc với nhiều người ở khu vực thành thị, điều này khiến họ có thể mắc bệnh và mang virus về nhà. Nếu nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, họ sẽ vô tình truyền bệnh cho người lớn tuổi - lớp dân số có nguy cơ tử vong cao nhất.

Một gia đình người Italy. Ảnh minh họa. Nguồn: Unotre.

Tất cả chúng ta đều biết đối tượng người già có nguy cơ tử vong cao nhưng vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn tới hiện tượng đó. Ông Carlos Del Rio, Phó giám đốc điều hành Trường Y Emory của Mỹ cho rằng, có thể vì người già có hệ hô hấp kém hơn đã dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn, đặc biệt ở những người mắc các bệnh như viêm phổi.

Mặc dù chính quyền Rome đã phong tỏa toàn quốc, virus corona vẫn lan rộng. Nhưng với nghiên cứu này, các tổ chức y tế ở các nước có thể dễ dàng ứng phó với dịch Covid-19 hơn. Bà Jennifer Beam Dowd nhận định: “Một trong những điểm chúng tôi đang cố gắng là không chỉ tập trung cách ly những người cao tuổi - nhóm dân số được cho là dễ mắc bệnh nhất - mà còn triển khai biện pháp “cách ly xã hội” nhằm đảm bảo tình hình luôn trong tầm kiểm soát.”

Chuyên gia này khẳng định, phương pháp trên sẽ góp phần làm chậm tốc độ các ca nhiễm mới, giúp các nhà nghiên cứu có thêm thời gian để phát triển vaccine và giảm quá tải cho các bệnh viện. Điều đó là thực sự quan trọng đối với một quốc gia có tỷ lệ dân số già cao như Italy.

Tuy nhiên, dân số già không phải là lý do duy nhất dẫn tới sự bùng phát dịch Covid-19. Tại Nhật Bản, nơi có hơn 28% người dân trên 65 tuổi, tính đến ngày 3-4, chỉ ghi nhận 2.617 trường hợp nhiễm bệnh và con số tử vong là 63. Nhật Bản, cùng với các nước trong khu vực, đã nhanh chóng đẩy mạnh xét nghiệm cho người dân trong những ngày đầu dịch bùng phát và triển khai các biện pháp kiểm soát du lịch nghiêm ngặt.

KHÁNH NGÂN (theo Wired)