Tại Tây Ninh ghi nhận 3 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ngày 14-6, từ nước ngoài nhập cảnh Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 16-6 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.

 

Tại Bắc Giang ghi nhận 62 ca trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Hà Tĩnh ghi nhận 2 ca là F1 của bệnh nhân 10.556, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 17-6 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại Bắc Ninh ghi nhận 6 ca, trong đó có 4 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ. Kết quả xét nghiệm ngày 17-6 dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 62 ca, trong đó có 48 ca là các trường hợp F1, 10 ca liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng, 2 ca liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, 2 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

 

Tại Lạng Sơn ghi nhận một ca là F1 của bệnh nhân 11.726, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 17-6 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.

Như vậy trong ngày 17-6, Việt Nam ghi nhận thêm 515 ca mắc mới. Tính đến 18 giờ ngày 17-6, Việt Nam có tổng cộng 10.483 ca ghi nhận trong nước và 1.667 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 8.913 ca, trong đó có 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 175.480. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.997 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 37.994 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 135.489 người.

Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại tỉnh Thái Nguyên là rất cao

Chiều 17-6, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có cuộc làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch Thường trực tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Xuân Trường cho biết, Thái Nguyên là tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ, có 8 khu công nghiệp, với số người lao động trong các khu công nghiệp khoảng 87.000 người. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 4.449 doanh nghiệp với gần 239.000 lao động. Đặc biệt, Thái Nguyên nằm trong chuỗi liên kết sản xuất với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, nên có sự giao lưu nhất định giữa những doanh nghiệp của 2 tỉnh này với Thái Nguyên. Người của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang thường xuyên đi sang Thái Nguyên và ngược lại. Chính vì thế, kể từ khi Bắc Ninh, Bắc Giang có dịch, Thái Nguyên trở thành tỉnh có nguy cơ cao.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, sự xuất hiện biến thể mới của virus khiến tốc độ lây lan dịch bệnh rất nhanh. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn phải thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, nếu dịch bệnh xảy ra có khả năng đứt chuỗi sản xuất. Thái Nguyên là nơi giao thương rất lớn với các tỉnh khác, công nhân không chỉ là người của Thái Nguyên mà còn đến từ nhiều tỉnh khác nên nguy cơ dịch bệnh rất lớn.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Bộ Y tế 

Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu, để phòng, chống dịch hiệu quả trong cộng đồng, người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K. Chính quyền địa phương cần tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Trong đó, cần dựa vào tổ Covid-19 cộng đồng để truy vết, phát hiện sớm ca bệnh, yêu cầu các gia đình ký cam kết phòng, chống dịch. “Phong tỏa theo diện hẹp nhưng khoanh vùng theo diện rộng, không thể vì một ca bệnh mà phong tỏa cả một phường”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Lưu ý công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu các huyện cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp cam kết thực hiện phòng, chống dịch với huyện. Doanh nghiệp phải lên kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể, có sự kiểm soát của cơ quan y tế và chính quyền địa phương. Những đối tượng ở doanh nghiệp nên xét nghiệm sàng lọc thường xuyên là những người làm việc tại nhà ăn, người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người…

Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh Thái Nguyên cần giữ gìn, bảo vệ vững chắc các thành trì phòng, chống dịch như các cơ quan lãnh đạo, tại các bệnh viện, các doanh nghiệp, trường học, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cả những đối tượng lang thang cơ nhỡ…

TP Hồ Chí Minh sẽ có 1.000 điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 mỗi ngày

Ngay khi tiếp nhận số lượng lớn vaccine phòng Covid-19, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch triển khai công tác tiêm chủng cho người dân ngay từ cuối tháng 6-2021, với 1.000 điểm tiêm và 200.000 người được tiêm chủng/ngày.

Cụ thể, ngành Y tế thành phố đã xây dựng các kế hoạch triển khai tiêm chủng với nhiều kịch bản khác nhau, nhằm sẵn sàng huy động nhanh chóng các lực lượng để thực hiện chiến dịch tiêm chủng phù hợp.

Ảnh minh họa: Bộ Y tế. 

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, với 800.000 liều vaccine phòng Covid-19 vừa được phân bổ đợt thứ tư, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP, TP Hồ Chí Minh dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng như người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… với số lượng khoảng 1 triệu người.

Thành phố dự kiến tổ chức các điểm tiêm chủng trong cộng đồng, bao gồm các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động với khoảng 1.000 điểm tiêm/ngày, tại mỗi điểm có thể thực hiện tiêm chủng cho 200 người/ngày, tổng công suất đạt mức 200.000 người/ngày.

Đề phòng các phản ứng bất lợi sau tiêm, các điểm tiêm sẽ được chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu; bố trí lực lượng cấp cứu với mỗi đội gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng để theo dõi, xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm; tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người đến bệnh viện khi cần thiết; đồng thời cũng tổ chức theo dõi sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần…

250 bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bắc Giang được công bố khỏi bệnh

Ngày 17-6, Sở Y tế Bắc Giang cho biết, có 250 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh.

 

Trong đó, Bệnh viện Quân y 110 cơ sở 2 là 106 bệnh nhân; khu điều trị tại Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang 38 bệnh nhân; khu điều trị của Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt - Hàn có 26 bệnh nhân; Trung tâm Y tế huyện Lục Nam 19 bệnh nhân; Bệnh viện dã chiến số 2 có 19 bệnh nhân; Bệnh viện dã chiến số 1 có 14 bệnh nhân; Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 (Trung đoàn 831) có 13 bệnh nhân; Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa có 8 bệnh nhân; Khu điều trị bình thường của Bệnh viện Phổi có 4 bệnh nhân; Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng có 2 bệnh nhân; Bệnh viện Y học cổ truyền Bắc Giang một bệnh nhân.

THÁI SƠN