Hiện tượng xấu nhưng không phải duy nhất

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng)-nơi vừa được WTA vinh danh là Công viên chủ đề hàng đầu châu Á 2020, vốn được bảo vệ bởi 2 lớp hàng rào sắt và có bố trí rất nhiều biển, bảng cảnh báo nguy hiểm, cấm leo trèo. Tuy nhiên, nữ du khách vẫn bất chấp, cố tình vượt qua 2 lớp hàng rào kiên cố để đạt được mục đích sống ảo.

Cầu Vàng - Đà Nẵng được nhiều du khách quốc tế biết đến qua truyền thông quốc tế. 

Đáng nói hơn đây không phải là lần đầu dư luận xã hội chứng kiến những hành vi du lịch thiếu ý thức như vậy. Cách đây ít lâu, thông tin về việc du khách leo lên để chụp ảnh trên Cột mốc tọa độ quốc gia tại Khu du lịch Vườn quốc gia Mũi Cà Mau cũng khiến không ít người bức xúc. Ngay tại khu vực Cầu Vàng, để có những tấm ảnh đẹp chụp tại cây cầu nổi tiếng thế giới, nhiều du khách đã chui ra ngoài thành cầu để chụp ảnh bất chấp nguy hiểm, bất chấp bên dưới là vực sâu. Thậm chí, trước đó, tháng 4-2019, đã có một nam du khách còn muốn “lưu giữ dấu ấn riêng” bằng cách dùng bút xóa viết chữ màu trắng lên bàn tay nâng đỡ Cầu Vàng. Nhiều người không ngờ rằng, chỉ một chút thiếu ý thức của vị khách kia, khu du lịch Sun World Ba Na Hills phải tốn không ít công sức mới có thể phục hồi được nguyên trạng hình ảnh rêu phong trên khu vực bàn tay bị viết lên đó.

Những hành động phản cảm, thiếu ý thức của du khách dù đã bị cộng đồng mạng lên tiếng phê phán nhưng dường như không có tác dụng đáng kể. Ông Nguyễn Lâm An, Giám đốc Sun World Ba Na Hills chia sẻ: “Nhiều năm qua, chúng tôi luôn không ngừng cố gắng để xây dựng Sun World Ba Na Hills với những hình ảnh đẹp, chuyên nghiệp, giàu bản sắc và văn minh. Chúng tôi luôn có các hình thức hướng dẫn du khách hành xử văn minh khi đến với địa điểm này như xếp hàng, không vứt rác bừa bãi, không leo trèo vào khu vực vườn hoa, tượng đài, không giẫm đạp lên cây, cỏ.... Tuy nhiên, thực tế vẫn có những du khách thiếu ý thức. Họ vẽ bậy, leo xuống bàn tay, trèo qua lan can cầu, thậm chí đi vệ sinh ngay tại các khu vực không được phép... Mặc dù đây chỉ là những trường hợp cá biệt, song những hậu quả để lại thì rất đáng báo động. Không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh văn minh và chuyên nghiệp mà khu du lịch đã nỗ lực gây dựng, rõ ràng những hành động thiếu ý thức của du khách còn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.

Nâng tầm ý thức du khách Việt

Sau nhiều bức xúc của dư luận và sự lên tiếng của báo chí về ý thức và hành xử chưa đẹp của du khách khi đi du lịch, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rồi nhiều địa phương đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Những thông điệp về những hành xử văn minh cũng liên tục được nhắc đến. Thậm chí, Chính phủ cũng đã ban hành những văn bản quy phạm pháp luật với những mức phạt cụ thể với những hành vi phản cảm, phá hoại di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật... Đáng tiếc là dường như nhiều du khách vẫn tự cho mình “quyền phản cảm”.

Với những vị khách này, theo các chuyên gia du lịch, các quy định của pháp luật cần nâng cao tính răn đe. Một số hành vi phản cảm hay mang tính chất phá hoại, gây ảnh hưởng đến tài sản, uy tín và thương hiệu của điểm đến cần được bị xử lý bằng các chế tài nghiêm minh, rõ ràng. Đây cũng là cách làm một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... đã áp dụng và mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức tự giác của du khách vẫn là việc làm quan trọng nhất bởi tính bền vững và hiệu quả. Để tất cả người dân đều có những hành xử văn minh, ngoài việc truyền thông mạnh mẽ hơn về vấn đề này chúng ta cần tính đến việc đưa thêm vào các bài giảng ở tất cả các cấp học, đặc biệt khi chúng ta đã hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Không chỉ đi du lịch, ở bất cứ nơi đâu, dù trong hay ngoài nước, mỗi người Việt Nam đều mang sứ mệnh của một đại sứ du lịch, đều có thể truyền thông về một đất nước tươi đẹp và những con người tử tế, hành xử văn minh.

HÒA HÀ