Đây là biện pháp quan trọng góp phần ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh qua đường du lịch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch (PCD), giúp nhà quản lý nắm bắt thông tin, đưa ra chính sách phù hợp và cũng để du khách an tâm khi đi du lịch.

Lượng khai báo, đăng ký điểm đến an toàn Covid-19 còn thấp

Theo Công văn số 1518/BVHTTDL-TCDL ngày 11-5-2021 và Công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL ngày 9-11-2020, Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch truy cập tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn, công bố mã QR tại sảnh đón tiếp hoặc khu vực dễ quan sát để khách du lịch có thể kiểm tra mức độ an toàn trước khi sử dụng dịch vụ và giám sát công tác PCD Covid-19. Du khách và các cơ sở lưu trú có thể cập nhật thông tin an toàn trên ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Nếu các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành không đăng ký và cập nhật thường xuyên an toàn Covid-19 lên hệ thống này có thể tăng nguy cơ lây lan dịch, không bảo đảm an toàn cho khách du lịch, những người làm du lịch và có thể làm ảnh hưởng tới cộng đồng.

Hướng dẫn sử dụng mã QR tại khách sạn. 

Tuy nhiên, khi ngẫu nhiên đến một vài khách sạn, chúng tôi nhận thấy nhiều cơ sở lưu trú chưa thực hiện khai báo trên hệ thống này. Tại khách sạn Hilton Hanoi Opera, một khách sạn 5 sao của Hà Nội được du khách đánh giá cao và đang có khách lưu trú, ngày 20-5, chúng tôi nhận thấy khách sạn thực hiện khá tốt các yêu cầu của y tế về PCD nhưng cũng chưa có mã QR để thực hiện đăng ký và khai báo trên hệ thống Covid-19 quốc gia.

Liên hệ với một số đơn vị lưu trú của các địa phương, chúng tôi được biết, nhiều đơn vị, đặc biệt là các cơ sở lưu trú nhỏ, nhà nghỉ, homestay... đã đóng cửa, nhân sự cũng tạm nghỉ nên không nắm rõ việc thực hiện cập nhật đánh giá điểm đến an toàn Covid-19 theo công văn của bộ.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, đến ngày 19-5, tức hơn một tuần sau công văn số 1518 và hơn 6 tháng sau công văn số 4159, cả nước mới có khoảng 10.000 trên tổng số 30.000 cơ sở lưu trú đăng ký trên hệ thống an toàn Covid-19 ngành du lịch. Những tỉnh, thành phố đứng top đầu với số lượng khai báo nhiều và số lần tự đánh giá an toàn gồm: Quảng Ninh với 1.680 đăng ký và 11.900 lần khai báo, Long An 744 đăng ký và 4.800 lần khai báo, TP Hồ Chí Minh 5.990 đăng ký và 1.840 lần khai báo... Nhưng vẫn còn những địa phương có số cơ sở lưu trú đăng ký tham gia ít hoặc đăng ký nhưng ít tự đánh giá an toàn hằng ngày như Cà Mau có 4 đăng ký và 0 lần khai báo, Hà Nam chỉ có 6 đăng ký và 1 lần khai báo; Bến Tre 24 lần đăng ký và 13 lần khai báo...

Sáng kiến hay cần phổ biến sâu rộng cho nhiều người biết

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay khi Bộ VHTTDL ban hành các văn bản trên, nhiều địa phương như Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP Hà Nội, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế... đã có văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú trên địa bàn của mình khai báo và đánh giá điểm đến an toàn Covid-19. Ở Ninh Bình, địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2021, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch thông tin: “Ngay sau khi nhận được Văn bản số 1518/BVHTTDL-TCDL ngày 11-5 của Bộ VHTTDL, sở đã có Văn bản số 313/SDL-QLDL gửi các cơ sở lưu trú trên địa bàn yêu cầu tiếp tục thực hiện nội dung trên. Sở cũng giao các đơn vị liên quan kiểm tra việc tổ chức thực hiện, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Ở những nơi đã thực hiện đăng ký và khai báo trên hệ thống điểm đến an toàn covid-19 đều cho rằng đây là sáng kiến hay. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng (du khách TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Ứng dụng rất thuận tiện, giúp tôi yên tâm khi biết khách sạn mình đến an toàn, nguy cơ Covid-19 thấp”. Anh Hà Văn Ánh, quản lý khách sạn A25 (19 phố Chả Cá, Hà Nội) bày tỏ: “Việc sử dụng ứng dụng để biết thông tin về Covid-19 trong hệ thống cơ sở lưu trú cả nước không chỉ có lợi với du khách mà còn bảo đảm an toàn cho chính nhân viên của chúng tôi, góp chung vào công tác PCD”.

Tại sao Bộ VHTTDL, các địa phương đã sớm có giải pháp cho vấn đề du lịch an toàn trong PCD Covid-19 nhưng việc triển khai giải pháp này chưa hiệu quả? Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, làm việc ở Khách sạn A25 cho biết: “Công việc của các khách sạn là bảo đảm doanh thu, làm hài lòng du khách và thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về an toàn PCD Covid-19. Không phải du khách nào cũng cảm thấy thoải mái khi phải thực hiện thêm một bước khai báo. Các cơ sở lưu trú cũng không thể bắt khách phải thực hiện công đoạn này. Tôi cho rằng Bộ VHTTDL cần truyền thông nhiều hơn về lợi ích của hệ thống điểm đến an toàn Covid-19 để việc thực hiện được đồng bộ tại toàn bộ cơ sở lưu trú trên cả nước. Khi có nhiều cơ sở lưu trú cùng đăng ký và thực hiện thường xuyên thì hệ thống này mới thực sự phát huy hiệu quả”.

Cho rằng việc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 trong du lịch sẽ phải thực hiện lâu dài, kể cả khi chúng ta đã khống chế được dịch, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã nhấn mạnh: “Tổng cục Du lịch cần tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các địa phương, cơ sở lưu trú thực hiện đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19”.

Bài và ảnh: LAN DỊU