Theo ông Nguyễn Bá Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, mưa lớn cực đoan từ ngày 15 đến 20-10 đã gây ngập lụt tại nhiều địa phương, đặc biệt là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh. Thời điểm cao nhất, có 118 xã, phường, thị trấn với 42.456 hộ/151.288 người của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt trong nước lũ. Nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn. Mưa lũ cũng làm 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại; 40 trạm y tế, 1 bệnh viện bị ngập lụt, hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng lũ bị ngập và hư hỏng thiết bị, máy móc vật tư, phương tiện, thiệt hại hết sức nặng nề. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm kết cấu hạ tầng các tuyến đường giao thông, điện, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc, hệ thống công trình hồ đập thủy lợi... bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều tuyến giao thông bị cắt đứt, hiện tại chưa thể thống kê chính thức được. Thiệt hại do mưa lũ là rất lớn, do đó cần có sự trợ giúp của Trung ương, các bộ, ngành, đồng bào cả nước, các tổ chức quốc tế, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và toàn thể nhân dân Hà Tĩnh thì mới có thể khắc phục được trong thời gian dài. Hiện còn 106 trường nghỉ học, số học sinh nghỉ học là 38.600 em. 

leftcenterrightdel
Mưa lũ gây ngập lụt diện rộng chưa từng có tại Hà Tĩnh. 

Trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại lớn cho Hà Tĩnh, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ: 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia; 4 bộ xuồng cao tốc các loại, 166 bè cứu sinh, 5.560 phao cứu sinh, 200 nhà bạt cứu sinh, 4 máy phát điện. UBND tỉnh huy động 16.068 thùng mì ăn liền, 20.343 két nước uống, 20 tấn gạo, 600 thùng lương khô cho nhân dân; 500 rọ thép, 3.000 bao tải và 5.000m2 vải lọc để xử lý sự cố công trình kè Cẩm Nhượng; 8 tấn Poly aluminium chloride; 500kg Cloramine B để xử lý nước sạch. Tỉnh đã phân bổ 11 tỷ đồng cho các địa phương khắc phục mưa lũ.

Thông qua Ủy ban MTTQ tỉnh, tính đến ngày 23-10-2020, đã có 68 tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ thông qua Ban Cứu trợ tỉnh với số tiền 25,971 tỷ đồng; hàng hóa quy ra tiền là 1,329 tỷ đồng. Ủng hộ thông qua Ban cứu trợ huyện, xã là 13,962 tỷ đồng từ 304 tổ chức, cá nhân...

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả mưa, lũ; thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại; xử lý vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, công an tỉnh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh và các Đoàn thể tăng cường lực lượng, phương tiện để tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Lũ rút đến đâu tập trung vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sinh hoạt, sửa chữa nhà cửa, cấp gạo cứu đói... nhằm sớm ổn định bước đầu cho nhân dân; ưu tiên cho việc sửa chữa, khôi phục trạm xá, bệnh viện, trường học để chữa bệnh và tạo điều kiện cho học sinh đến trường sớm nhất. Từng bước khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Giao thông, điện, thông tin liên lạc, công trình thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng... phục hồi sản xuất vụ Đông và vụ Đông Xuân sau lũ để cứu đói cho nhân dân.

Đặc biệt, UBND tỉnh đang tổ chức công tác tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, bảo đảm công bằng, dân chủ và công khai; thường xuyên kiểm tra, thanh tra giám sát chặt chẽ việc sử dụng, kịp thời phát hiện các sai sót, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin, ảnh: HOA LÊ