Hội thảo là một hoạt động ý nghĩa của Đại lễ Vesak 2025, có sự tham dự của đại biểu đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Các tham luận trực tiếp và hơn 300 bài tham luận gửi về hội thảo tập trung vào 5 nhóm vấn đề chính yếu gồm: Từ bi Phật giáo qua hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; thúc đẩy đoàn kết: Nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu; nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; tha thứ và chữa lành bằng chánh niệm: Con đường hòa giải.

 Hội thảo là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025.
 Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các tham luận nhấn mạnh vai trò của việc vận dụng tuệ giác Phật giáo vào giải quyết các thách thức đương đại mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng xã hội, xung đột văn hóa… Nhiều tham luận phân tích tư tưởng Phật giáo vừa mang giá trị tâm linh, vừa mang tính ứng dụng trong xây dựng hòa bình, phát triển bền vững và nâng cao phẩm giá con người. Trong đó, các giá trị như: Đoàn kết, bao dung và tôn trọng nhân phẩm giúp thúc đẩy đối thoại liên văn hóa, khắc phục chia rẽ tôn giáo và định hình chính sách toàn cầu dựa trên trí tuệ và từ bi. Các nguyên lý từ bi, tâm từ và trí tuệ là những đức tính thiết yếu cho cuộc sống nhân loại toàn cầu.

 Các diễn giả trình bày tham luận tại hội thảo.

Theo Ban tổ chức hội thảo, “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững” không chỉ là chủ đề chính của Đại lễ Vesak 2025 mà là nền tảng triết lý để thế giới cùng nhau hướng đến, lan tỏa tinh thần từ bi trong cộng đồng và đoàn kết vì hạnh phúc của con người.

Tin, ảnh: LÊ TRẦN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.