Theo báo cáo của UBND huyện Mèo Vạc, năm học 2023-2024, toàn huyện có 1.089 phòng học thì chỉ có 579 phòng kiên cố, còn lại 376 phòng cấp IV, 134 phòng lắp ghép. Nhiều trường, điểm trường thiếu phòng ăn, phòng lưu trú giáo viên, phòng lưu trú cho học sinh bán trú...
Xác định cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, vì vậy, ngay sau khi kết thúc năm học 2023-2024, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các phòng, ban liên quan tập trung cải tạo, sửa chữa, xây mới các lớp học đã xuống cấp. Đồng thời, huyện đã phân bổ nguồn kinh phí hơn 30 tỷ đồng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện phối hợp cùng các xã, thị trấn sửa chữa, cải tạo, xây mới hơn 50 phòng học, 26 phòng lưu trú học sinh, 85 phòng vệ sinh và các công trình phụ trợ khác.
 |
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sủng Trà (huyện Mèo Vạc) tiếp nhận sách giáo khoa và các vật dụng thiết yếu phục vụ năm học mới.
|
Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 1 (Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số) thuộc Dự án 5 (Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, từ nguồn kinh phí được hỗ trợ 7,2 tỷ đồng, huyện Mèo Vạc đã đầu tư xây dựng 6 phòng học; tu sửa 7 phòng ở nội trú, công trình vệ sinh và các công trình phụ trợ khác tại 10 đơn vị trường học ở các xã Sủng Trà, Sơn Vĩ, Tả Lủng, Cán Chu Phìn, Niêm Sơn, Xín Cái, Thượng Phùng... thực hiện mua sắm trang thiết bị dạy học tại 14 trường tiểu học; 14 trường THCS; 2 trường liên cấp và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.
Những ngày cuối tháng 8, đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sủng Trà, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới của thầy và trò nhà trường. Năm học 2024-2025, nhà trường có 417 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cô giáo Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Xã Sủng Trà chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Năm học mới 2024-2025, nhà trường được đầu tư xây mới một tòa nhà 3 tầng, sơn sửa một tòa nhà 3 tầng với 9 phòng học nên giáo viên và học sinh nhà trường rất vui mừng, phấn khởi vì sẽ được dạy và học trong điều kiện tốt hơn. Đến thời điểm này, nhà trường đã sẵn sàng chào đón năm học mới”. Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Tả Lủng, năm học này, nhà trường được đầu tư xây mới một nhà 2 tầng với tổng số 9 phòng học. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, trong suốt kỳ nghỉ hè, Ban giám hiệu nhà trường đã phân công lịch trực, phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công để triển khai xây dựng công trình, kịp đưa vào sử dụng từ đầu năm học mới.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc cho biết: “Năm học 2024-2025, huyện Mèo Vạc có 53 đơn vị trường học với 1.070 lớp học, hơn 30.800 học sinh (tăng 58 lớp và hơn 1.500 học sinh so với năm học 2023-2024). Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn huyện đã sẵn sàng đón các em học sinh tựu trường.
Đặc biệt trong năm học mới, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong huyện tập trung duy trì bảo đảm số lượng học sinh, nâng cao tỷ lệ chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ, nghỉ học; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng học sinh mũi nhọn; tiếp tục đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học để đạt được kết quả tốt nhất...”.
Việc cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học không ngừng được đầu tư, bổ sung, hoàn thiện; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý không ngừng được nâng cao về năng lực, trình độ, tâm huyết, trách nhiệm là tiền đề góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện còn nhiều khó khăn như Mèo Vạc.
Bài và ảnh: HÀ LINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.