Vàng Thị Dế sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em. Trước đây, người Mông luôn quan niệm, con gái đến tuổi thì phải lấy chồng. Bởi vậy, con gái ở Thài Phìn Tủng hầu hết chỉ học đến lớp 6, lớp 7 đã phải nghỉ học để làm vợ, làm mẹ. Khác với bạn bè đồng trang lứa, ngay từ nhỏ, Vàng Thị Dế đã học rất giỏi, luôn có khát khao cháy bỏng rằng con chữ sẽ giúp mình bước chân ra khỏi bản làng để khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Sau nhiều lần bị mẹ ngăn cản không cho theo học tiếp bởi “có học rồi cũng sẽ đi lấy chồng”, Dế vẫn quyết tâm thuyết phục bố mẹ để được đi học.

leftcenterrightdel
 

Vàng Thị Dế bên khung dệt vải lanh.

Học hết THPT, Dế thi đỗ vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Cũng từ đây, những ước mơ, hoài bão của em về phát triển du lịch địa phương dần được nhen nhóm. Tình cờ trong một lần về quê phụ mẹ dọn nhà, Dế nhìn thấy tấm vải lanh được mẹ cất rất cẩn thận. “Khi đó, hoàn cảnh gia đình em khó khăn. Em hỏi mẹ có thể bán được tấm vải kia không nhưng mẹ không cho, bởi vải lanh là đồ “gia bảo” của người Mông. Tuy nhiên, em đã “liều mình” đăng tấm vải đó lên mạng xã hội và chỉ sau vài ngày đã bán được cho một người ở TP Hồ Chí Minh với giá 560.000 đồng”, Dế chia sẻ.

Đối với đồng bào Mông, vải lanh là loại vải truyền thống gắn bó cả trong đời sống thường nhật và tâm linh. Để làm được một tấm vải lanh mất rất nhiều công sức và thời gian, do vậy, phụ nữ Mông không dệt vải lanh để làm kinh tế. Các bà, các mẹ làm vải lanh để may váy cho mình, may áo cho chồng, làm của hồi môn cho con... Chỉ đến khi già yếu, không đi làm kiếm tiền được, khi trong nhà không còn ngô để bán thì các bà mới đem vải lanh đi bán để đổi lấy một ít tiền sinh hoạt. Vì được làm cho gia đình, tốn công sức cả năm trời mới tạo ra được một, hai tấm nên vải lanh của người Mông thường được coi là “gia bảo” của gia đình.

Sau lần bán tấm vải lanh đầu tiên của gia đình, Vàng Thị Dế đi khắp các nhà của đồng bào Mông hỏi mua vải lanh và đăng tải những bài viết về vải lanh của dân tộc mình lên mạng xã hội để vừa quảng bá văn hóa, đồng thời vừa có thể tạo thêm thu nhập cho bà con. Qua một thời gian, những tấm vải lanh truyền thống đã vươn ra khỏi Cao nguyên đá Đồng Văn, đến với khách hàng từ Nam ra Bắc, được rất nhiều bạn bè thế giới biết đến. “Hiện nay, đơn hàng của em chủ yếu ở hai nước Mỹ, Thái Lan. Sau khi nhận đơn hàng, em sẽ bắt đầu đi mua của bà con trong xóm. Do vải lanh được làm thủ công nên số lượng làm ra sẽ không được nhiều, trung bình mỗi gia đình làm vải lanh để bán có thể kiếm thêm thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/tháng”, Dế chia sẻ.

Nói về dự định trong tương lai, Vàng Thị Dế cho biết, sau khi học xong, em sẽ trở về quê mở hợp tác xã nhỏ kết hợp du lịch, vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương, vừa tạo việc làm cho bà con trong thôn. Và ước mơ lớn nhất của Dế là qua những tấm vải lanh truyền thống có thể giới thiệu tới bạn bè thế giới những nét văn hóa của dân tộc mình.

Bài và ảnh: KIM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.