Ngược đường rừng theo triền núi Yên Tử cheo leo, gập ghềnh mới đến được trang trại ở Khe Dong của gia đình ông Tâm. Trước mắt chúng tôi, một mặt hồ phẳng lặng hiện ra trên non cao, hàng trăm con cá các loại thi nhau quẫy đuôi, đớp mồi. Cạnh hồ là căn nhà nhỏ-nơi ông Tâm dùng để ở vừa trông ao cá, vừa trồng và chăm sóc rừng.

leftcenterrightdel
 Ông Trương Minh Tâm trên lòng hồ nuôi cá của gia đình.

Trong câu chuyện, ông Tâm kể cho chúng tôi nghe việc bản thân và gia đình kỳ công tạo lòng hồ nuôi cá, trồng rừng... Năm 1980, nhận thấy nước từ thượng nguồn đổ nhiều về Khe Dong, ông Tâm nảy ý định chặn nước tạo lòng hồ nuôi cá. Nghĩ là làm, ông huy động cả nhà dùng xe cải tiến đêm ngày đào đất, vận chuyển hàng trăm mét khối đất đá làm một đoạn đập dài 20m, tạo lòng hồ nuôi cá trên diện tích 7.000m2. Tạo hồ thành công, ông Tâm tìm đến các trại ươm giống thủy sản mua cá giống về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cá phát triển tốt, được thị trường chấp nhận. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Tâm xuất bán hơn 2 tấn cá. Cùng với nuôi cá trong hồ, ông Tâm khoanh vùng trồng 5ha cây keo, cứ sau thời gian từ 5 đến 7 năm, cây trưởng thành, ông lại bán cho thương nhân, thu về từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi đợt. Ngoài việc nuôi cá, trồng rừng, lão nông Trương Minh Tâm còn dành nhiều thời gian, công sức hướng dẫn 4 người con trai trồng 25ha rừng. Với việc nuôi cá và trồng rừng tại trang trại ở Khe Dong, hằng năm, trừ hết chi phí, ông Tâm có lãi từ 60 đến 70 triệu đồng.

Dù đã bước sang tuổi 74, lại bị lòa một mắt nhưng ông Trương Minh Tâm đã vượt lên tất cả, nỗ lực nuôi cá, trồng rừng phát triển kinh tế gia đình, xứng đáng là một người cao tuổi có uy tín trong đồng bào dân tộc Dao ở xã Thượng Yên Công.

Bài và ảnh: ĐINH QUANG HUY