Xã Đa Lộc, huyện Châu Thành có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm gần 80%). Để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xã Đa Lộc luôn chủ động chỉ đạo các đoàn thể chính trị xã hội của xã xây dựng kế hoạch, triển khai đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với các hộ thuộc diện được thụ hưởng để thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Hiện toàn xã có gần 1.900 hộ được vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành với tổng số vốn vay hơn 38 tỷ đồng.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các hội, đoàn thể thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn những hộ vay vốn sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả, tránh tình trạng cho vay vốn không đúng đối tượng, sử dụng vốn không đúng mục đích, gây lãng phí sự hỗ trợ của Nhà nước. Ông Phạm Văn Kiệt, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân ở Đa Lộc vươn lên thoát nghèo. Nếu như năm 2016, cả xã có 913 hộ nghèo (chiếm hơn 26%) thì đến cuối năm 2022 giảm xuống chỉ còn 3,2%. Tại nhiều ấp như Giồng Lức, Thanh Trì không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng (tăng 34 triệu đồng so với năm 2010)”.

leftcenterrightdel
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Trà Vinh. Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí quản lý... Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác thông qua các tổ chức chính trị-xã hội như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Bên cạnh đó, nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận kịp thời, thuận lợi chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh đã mở 106 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn và tại trụ sở. Thông qua các chương trình tín dụng, người dân được tiếp cận vốn chính sách xã hội để thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp nhiều hộ dân tỉnh Trà Vinh thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Dương Huy Phong, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Trà Vinh cho biết. “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, qua rà soát, nhu cầu nguồn vốn tín dụng trong toàn tỉnh là hơn 271 tỷ đồng. Trong đó tập trung đầu tư vào 3 dự án trọng tâm là: Dự án 1, đầu tư giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt có nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 85,6 tỷ đồng; dự án 3, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, với nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 184 tỷ đồng; dự án 6, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch với nhu cầu vốn tín dụng chính sách là 1,7 tỷ đồng. Có thể nói rằng, nhờ có nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ dân, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên thoát nghèo”.

Hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ưu đãi từ những hộ nghèo ở Trà Vinh là minh chứng cho thấy vai trò quan trọng của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế-xã hội; là một trong những trụ cột trong các chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

HỮU LỢI