Hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, thông qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng được nâng lên.
Tỉnh Sóc Trăng có đông đồng bào Khmer sinh sống (hơn 30% dân số). Xác định công tác dân tộc và chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tập trung huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình, dự án để thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, một số chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các địa phương như: Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng; xây dựng mô hình liên kết tôm-lúa; chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo... Từ sự kết hợp hiệu quả và sáng tạo các chương trình, dự án cũng như công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nên giai đoạn 2016-2020 tỉnh Sóc Trăng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,89% xuống còn 2,66%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giảm từ 26.983 hộ xuống còn 4.140 hộ.
 |
Đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
|
Bên cạnh việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Sóc Trăng xác định giáo dục là mục tiêu hàng đầu để nâng cao dân trí. Nhiều năm qua, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu dạy và học. Nhờ đó chất lượng giáo dục của toàn tỉnh nói chung, vùng có đông đồng bào Khmer nói riêng không ngừng được nâng lên, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với khu vực thành thị. Thầy giáo Thạch Rích, Phó hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam Bộ cho biết: “Hằng năm, UBND tỉnh cấp kinh phí cho nhà trường hoạt động, các học viên đều được bảo đảm chỗ ăn, ở giúp họ yên tâm học tập. Do đó chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm gần đây có bước phát triển, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm đạt 50-60%”.
Một điểm sáng tiếp theo trong công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng là tỉnh Sóc Trăng đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa-thể thao ở cơ sở để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Như tại ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường, tạo thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của bà con. Không chỉ làm đường, thời gian qua, người dân ở ấp Giồng Chùa A còn luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào khác của địa phương. Ông Lâm Văn Út ở ấp Giồng Chùa A cho biết: “Có đường đi lại khang trang, sạch đẹp giúp người dân chúng tôi thuận tiện hơn trong kinh doanh, buôn bán, nhờ đó kinh tế của các gia đình cũng phát triển hơn trước rất nhiều. Có được điều này là nhờ những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, địa phương đã quan tâm đến người dân, chúng tôi cảm ơn nhiều lắm!”.
Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ở tỉnh Sóc Trăng đã thay đổi rất nhiều. Đây chính là động lực để đồng bào tiếp tục đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
TUỆ ĐĂNG