Mới đây có dịp trở lại Pa Khôm-bản xa và khó khăn nhất của xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, phải mất gần một giờ đồng hồ, vượt qua những cung đường uốn lượn dốc đứng chúng tôi mới đến được điểm trường ở bản Pa Khôm khi trời đã nhá nhem tối. Lớp học có gần 30 học viên với đủ lứa tuổi, tiếng đánh vần dù còn ngọng nghịu của họ đã phá vỡ không gian tĩnh lặng của vùng cao về đêm.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết học viên tại lớp xóa mù chữ ở bản Pa Khôm đều là lao động chính trong các gia đình; ban ngày họ lên nương lao động sản xuất, tối về tranh thủ đến lớp để học chữ. Nhiều gia đình cả vợ chồng đều đến lớp, do không có người trông con nhỏ nên vợ địu cả con theo cùng. Có chứng kiến một buổi lên lớp ở đây mới thấy hết sự khát khao được học “con chữ” của bà con. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ, khiến chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí quyết tâm của những học sinh đặc biệt này.
 |
Một lớp học xóa mù chữ ở bản Pa Khôm, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu.
|
Trước đây do gia đình đông con, bố mẹ không có tiền cho đi học nên anh Mùa A Trống, sinh năm 1979, học viên lớp xóa mù chữ ở bản Pa Khôm không được đến trường. Bởi vậy, khi được tham gia lớp xóa mù chữ này, dù trời mưa hay giá rét anh cũng chưa nghỉ buổi học nào. Anh Trống tâm sự: “Tham gia lớp học xóa mù chữ trong bản, được thầy giáo dạy chữ, dạy phép tính, giờ đây tôi đã biết đọc, biết viết, biết làm toán. Biết chữ giúp ích cho cuộc sống mình nhiều lắm, đi ra ngoài đường thấy hàng quán người ta viết gì cũng hiểu, xuống xã làm giấy tờ biết ký tên, không phải lăn tay điểm chỉ nữa. Giờ đây tôi đã tự tin hơn nhiều”.
Còn tại điểm trường bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm, lớp xóa mù chữ có 43 học viên, đa phần đều là phụ nữ. Điểm trường có 2 giáo viên cắm bản luân phiên đứng lớp. Các giáo viên luôn tìm phương pháp truyền đạt dễ hiểu nhất, đưa hình ảnh thực tế để học viên dễ tiếp thu. Thầy giáo Nguyễn Văn Tùng, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học cơ sở xã Mường Lựm đã có 3 năm đứng lớp tại điểm trường này. Ban ngày anh dạy chữ cho trẻ em, tháng 9 vừa qua, anh được phân công đứng lớp xóa mù chữ cho người dân trong bản. Anh Tùng cho hay: “Do học viên là đồng bào nhiều dân tộc khác nhau, sử dụng các ngôn ngữ, tập quán khác nhau, nên việc dạy chữ khó hơn. Tuy nhiên, các học viên luôn sắp xếp việc nhà để đi học đủ, đúng giờ, chăm chỉ ôn bài, học bài, từ đó giúp tôi có thêm động lực để bám bản, dạy chữ cho bà con”.
Qua rà soát, hiện nay toàn huyện Yên Châu có hơn 200 trường hợp trong độ tuổi trưởng thành nhưng chưa biết chữ. Thực hiện Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS), Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn mở lớp xóa mù chữ và phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội của xã vận động bà con tham gia lớp học.
Trong năm 2023, huyện Yên Châu đã và đang tổ chức được 6 lớp xóa mù chữ ở xã Mường Lựm và Chiềng Tương. Thời gian học từ 19 đến 21 giờ 30 phút từ chủ nhật đến thứ năm hằng tuần. Tham gia lớp học, các học viên sẽ được học tiếng Việt và Toán cơ bản. Giáo án chương trình được giáo viên hoàn chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế và trình độ của học viên. Để khuyến khích nhân dân đến lớp học chữ, các nhà trường đã phân công giáo viên dạy học miễn phí, hỗ trợ toàn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học viên và hỗ trợ 10.000 đồng/buổi/học viên.
Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Châu cho biết: “Những lớp học xóa mù chữ mang ý nghĩa rất lớn, giúp người dân tự tin hơn trong cuộc sống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân, nhất là đối với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong quá trình dạy xóa mù chữ, các thầy giáo, cô giáo còn lồng ghép, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS”.
Về khuya, không gian vùng cao được bao trùm bởi làn sương mỏng khiến thời tiết trở nên lạnh hơn. Buổi học kết thúc, tiếng cười, nói chuyện rôm rả trên đường về, những đứa bé địu trên lưng mẹ đã ngủ say từ bao giờ. Một buổi ở lớp học xóa mù chữ vùng cao đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên, nụ cười rạng rỡ khi các chị viết được tên mình, làm được những phép tính của học sinh tiểu học... Những con chữ sẽ nâng cao dân trí, giúp họ áp dụng các kiến thức đã được học vào sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Bài và ảnh: PHAN THẢO
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.