Mới đây, chúng tôi có dịp tham dự tiết sinh hoạt ngoại khóa của thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phiêng Luông, huyện Bắc Mê (Trường Phiêng Luông). Trong khuôn khổ tiết học, các em học sinh được tìm hiểu về bình đẳng giới thông qua các trò chơi kiến thức sinh động, tạo hứng thú và giúp các em nhớ lâu hơn. Thầy giáo Nguyễn Văn Khiết, Tổng phụ trách đội Trường Phiêng Luông, giáo viên phụ trách tiết học, cho biết: “Các nội dung về giới, bình đẳng giới được xây dựng kế hoạch theo từng tuần, từng tháng và theo từng tiết dạy. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin như trình chiếu PowerPoint để các em dễ hiểu hơn, tiếp thu được kiến thức...”.
Chia sẻ với chúng tôi, em Ly Thị Mỷ, học sinh lớp 9, Trường Phiêng Luông, bày tỏ: “Qua các buổi học ngoại khóa đã giúp em hiểu hơn về bình đẳng giới, là con gái cũng được đi học như con trai, được theo đuổi ước mơ của mình. Về nhà, em tuyên truyền cho người thân và bố mẹ các bạn khác để bố mẹ các bạn đó hiểu, đồng ý cho con mình đến trường”.
 |
Một tiết học lồng ghép về bình đẳng giới tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Phiêng Luông (Bắc Mê, Hà Giang). |
Trường Phiêng Luông thuộc địa bàn xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện Bắc Mê. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, thời gian qua, việc lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới được nhà trường quan tâm triển khai. Kế hoạch dạy học lồng ghép được nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên xây dựng, triển khai từ đầu năm học, trong đó tập trung ở một số môn, như: Giáo dục công dân, sinh học, khoa học tự nhiên, hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp...
Theo thầy giáo Dương Đức Huỳnh, Hiệu trưởng Trường Phiêng Luông, học sinh nhà trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Ngay khi bước vào năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai các hoạt động giáo dục về bình đẳng giới nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của bản thân, gia đình và xã hội trong thực hiện bình đẳng giới, đặc biệt là bình đẳng giới trong đồng bào DTTS. Từ sự thay đổi về nhận thức sẽ dẫn đến những chuyển biến trong hành động của các em.
Tại Trường THCS xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên, năm học 2022-2023, nhà trường có 181 học sinh với 4 khối lớp, các em thuộc nhiều dân tộc khác nhau, như: Tày, Dao, Mông... Hầu hết các em đều có điểm chung là nhà xa trường học, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống còn tồn tại định kiến giới. Trước thực tế đó, nhà trường đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Xuyên thành lập Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".
Câu lạc bộ sinh hoạt đều đặn vào chiều thứ hai hằng tuần. Trước mỗi buổi sinh hoạt, các em được định hướng về chủ đề, từ đó tìm hiểu và triển khai mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức xoay quanh các nội dung: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; hậu quả của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Cô giáo Nguyễn Ngọc Yến cho biết: “Để câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã lập kế hoạch triển khai rất cụ thể, chi tiết. Tham gia câu lạc bộ sẽ giúp các em, nhất là em gái nói ra được suy nghĩ của mình, từ đó giúp giáo viên nắm bắt tâm tư, giải đáp kịp thời thắc mắc của các em”.
Vào đầu tháng 12-2023, tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Đoàn thanh niên huyện và UBND xã Khâu Vai tổ chức diễn đàn “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đến nay, toàn huyện Mèo Vạc đã thành lập được 177 tổ tuyên truyền cộng đồng với 965 thành viên; tổ chức 9 hội thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo, hiệu quả trong truyền thông về phòng, chống định kiến giới, bạo lực gia đình, tảo hôn, mua bán trẻ em, phụ nữ. Huyện cũng đã xây dựng được 16 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”...
Những hoạt động thiết thực của các địa phương, nhà trường ở Hà Giang đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Dự án 8, Chương trình 1719.
Bài và ảnh: KIM THU
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.