Có dịp đến xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, du khách được hòa mình vào những câu dân ca và điệu múa xòe của đồng bào dân tộc Thái trong niềm hân hoan của người dân nơi đây. Đối với đồng bào Thái, có lễ hội hay nhà có việc là sẽ có múa xòe, bởi một quan niệm đã ăn sâu vào tâm thức đồng bào từ bao đời nay: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”.

leftcenterrightdel

 Điệu múa xòe Ỏm lọm tốp mư của dân tộc Thái.

Theo chia sẻ của đồng chí Lò Lan Phương, Bí thư Đảng ủy xã Nà Nghịu, múa xòe là nét đẹp văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Thái, thể hiện tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu con người. Nhất là sau khi nghệ thuật xòe Thái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12-2021) thì yêu cầu của việc quảng bá và trao truyền cho các thế hệ sau càng cần phải được chú trọng tiến hành thường xuyên. Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã góp phần tạo nguồn lực, động lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch địa phương.

Ngắm người phụ nữ dân tộc Thái duyên dáng trong bộ váy áo cóm, khăn piêu điểm tô cùng trang sức bạc đeo quanh thắt lưng, uyển chuyển nhịp nhàng theo điệu nhạc, du khách khó có thể chối từ lời mời cùng tham gia vào điệu xòe Khắm khen (nắm tay nhau) vòng quanh bên hũ rượu cần. Đây là điệu múa được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai, với ý nghĩa biểu hiện sự gắn kết cộng đồng. Nghệ nhân Lò Thị Thu ở bản Nà Hin 2, xã Nà Nghịu cho biết: “Mỗi khi có niềm vui, bà con sẽ cùng nhau nhảy múa; khi gặp khó khăn, hoạn nạn cũng vẫn nắm tay nhau để chung sức vượt qua-đây chính là ý nghĩa sâu sắc của điệu xòe này. Từ xưa, người cao tuổi ở các bản dạy con trẻ múa xòe 36 động tác. Đến khi có cán bộ về sưu tầm, chọn lọc phổ biến thì đến nay, trong một bài múa xòe sẽ có 6 điệu cơ bản là: Khắm khen, Đổn hôn (bước tiến lùi), Phá xí (bổ bốn), Nhôm khăn (tung khăn), Khắm khăn mơi lẩu (nâng khăn mời rượu) và Ỏm lọm tốp mư (vỗ tay đi vòng tròn)”. Mỗi điệu múa có ý nghĩa, giá trị đạo đức tinh thần khác nhau, nhưng đều chung mục đích giáo dục nhớ về nguồn cội; động viên con người về tình đoàn kết cộng đồng, cùng nhau vượt lên khó khăn để xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp, thể hiện sự cởi mở, trân trọng, hiếu khách.

Trong mỗi điệu xòe Thái, khi tiếng ca cao vút được cất lên và tỏa rộng ra khắp không gian sẽ khiến ai ai cũng phấn chấn, vòng xòe lại càng đông và rộng hơn. Những chiếc khăn piêu trở thành đạo cụ để các cô gái “tung khăn” nhịp nhàng, uyển chuyển theo nhịp trống mời khách thập phương mừng cho vụ mùa bội thu. Sau mỗi vòng xòe, đồng bào và du khách lại cùng nhau thưởng thức hơi nồng của men rượu cần truyền thống. Qua đó góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đồng tâm, chung sức xây dựng quê hương, giữ vững dải biên cương phía Tây Bắc Tổ quốc.

Bài và ảnh: TRUNG HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.