Trước đây, gia đình anh Phùng Phí Chóng ở bản Nậm Xả, xã Bum Tở (huyện Mường Tè) nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Nhà đông người, trong khi nguồn thu nhập chính lại chỉ trông vào ít ruộng nương trồng lúa một vụ nên cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn. Thậm chí, có thời điểm vợ chồng anh Chóng phải chạy ăn từng bữa, con cái cũng vì thế mà thường xuyên phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Tuy nhiên, từ năm 2021, cuộc sống của gia đình anh Chóng đã "sang trang mới" khi anh bắt đầu được nhận hơn 20 triệu đồng/năm từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng trên diện tích rừng Nhà nước giao khoán trông coi. Đây là số tiền khá lớn, giúp vợ chồng anh Chóng đầu tư mở rộng đất canh tác, mua giống lúa, ngô mới cho năng suất cao. Ngoài ra, nhờ được hỗ trợ cây, con giống và có cán bộ nông nghiệp đến hướng dẫn kỹ thuật, gia đình anh và nhiều hộ dân trong bản còn trồng thêm quế, nuôi trâu, bò dưới tán rừng. “Hai năm qua, cuộc sống được cải thiện đáng kể, các con cũng đi học đầy đủ hơn trước. Vợ chồng tôi mừng lắm!”, anh Chóng chia sẻ.
 |
Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân huyện Mường Tè luôn tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. |
Hiện nay, xã Pa Ủ (huyện Mường Tè) có hơn 95% dân số là đồng bào La Hủ. Xã có tổng diện tích rừng lớn hàng đầu của huyện Mường Tè với hơn 21.400ha, trong đó, rừng sản xuất là 10.000ha và rừng phòng hộ hơn 11.400ha, độ che phủ rừng đạt 68%. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để địa phương định hướng người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu từ rừng. Tính đến năm 2022, diện tích rừng đủ điều kiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của xã là hơn 20.000ha, với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ngoài phát triển các loại cây trồng theo định hướng của cấp trên, từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng ổn định, chính quyền địa phương đã vận động bà con nhân dân tái sản xuất, trồng và nuôi các cây, con ngắn ngày để nâng cao thu nhập.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, huyện Mường Tè đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa chính sách thiết thực này đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Năm 2022, tổng số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng của huyện là hơn 189 tỷ đồng đối với 175.000ha. Năm 2023, dự kiến tổng số tiền chi trả là hơn 191,5 tỷ đồng cho diện tích khoán bảo vệ rừng là gần 178.000ha. Đồng chí Lý Xá Hừ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Tè cho biết: “Xác định số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng rất lớn nên để bảo đảm đúng, đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, đơn vị đã phối hợp với các xã thực hiện chi trả theo hình thức cuốn chiếu, mỗi lần chi trả 3 xã. Tại các xã sẽ chi trả theo từng thôn, bản. Đối với những bản xa, khó khăn thì cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện và chính quyền các xã sẽ tới bàn giao tận tay bà con”.
Từ hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại, huyện Mường Tè xác định rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc, phát triển rừng trong phát triển kinh tế-xã hội, coi đó là nền tảng vững chắc để nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lý Anh Hừ, Bí thư huyện ủy Mường Tè cho biết: “Hiện nay, huyện Mường Tè có gần 500ha quế, gần 400ha cây cao su, gần 5.300ha cây dược liệu quý, cùng với đó là hơn 4.000ha cây lương thực và đàn gia súc gần 40.000 con. Nhờ chủ trương, định hướng của huyện và sự nỗ lực của người dân, đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên gần 28 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn khoảng 50%. Điều đó minh chứng rằng người dân có thể thoát nghèo và vươn lên từ việc bảo vệ, phát triển rừng”.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân biết việc bảo vệ rừng mang lại nhiều lợi ích, từ đó gắn bó với rừng, coi rừng như “báu vật”, càng bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn. Hầu hết các thôn, bản đều thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, không còn xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép như trước đây, chất lượng rừng, môi trường sinh thái từng bước được cải thiện đáng kể. Cũng vì thế mà những cánh rừng ở Mường Tè ngày càng xanh tốt, góp phần nâng cao tỷ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Lai Châu...
Bài và ảnh: HIẾU THUẬN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.