Việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng cùng những chính sách hưởng lợi đi cùng đã tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào DTTS, góp phần giảm nghèo bền vững, đồng thời xây dựng cho bà con ý thức bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng.
 |
Lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Yok Don. |
Đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc cho biết, đến năm 2011, tỉnh Đắc Lắc đã hoàn thành việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn, làng là đồng bào DTTS tại chỗ Tây Nguyên theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đơn cử, tại các huyện: Ea H’Leo, Buôn Đôn, M’Drắk, Krông Ana và Ea Súp, đã có 1.354 hộ dân được giao quản lý gần 9.219ha rừng theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Vườn Quốc gia Yok Don, tính đến nay, đơn vị này đã giao tổng cộng 17.500ha rừng cho 19 cộng đồng thôn, buôn thuộc vùng đệm với hơn 2.300 hộ nhận khoán. Việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ đồng bào DTTS. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Tạo, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yók Đôn, tính từ năm 2019 đến nay, Vườn Quốc gia Yok Don đã chi trả gần 17,5 tỷ đồng cho 2.300 hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.
Hằng năm, ngoài việc được nhận tiền quản lý, bảo vệ rừng, các hộ đồng bào DTTS tại chỗ còn được hưởng một số chính sách ưu đãi để ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững. Theo quy định tại Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg, việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng phải bảo đảm yêu cầu tạo điều kiện ổn định và cải thiện đời sống của đồng bào DTTS tại chỗ. Diện tích rừng được giao cho hộ gia đình không thấp hơn mức bình quân chung toàn quốc. Người được giao rừng và đất trồng rừng sản xuất được hưởng toàn bộ sản phẩm thu hoạch trên diện tích rừng được giao; được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo chính sách khuyến lâm, khuyến nông của Nhà nước. Nếu là hộ nghèo đang thiếu đói thì được cấp 10kg gạo/khẩu/tháng để cứu đói trong thời gian chưa tự túc được lương thực (thời hạn trợ cấp gạo do UBND tỉnh quyết định)...
Có thể khẳng định, cơ chế, chính sách đối với hộ đồng bào DTTS tại chỗ ở Đắc Lắc nói riêng, Tây Nguyên nói chung khi tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là đúng đắn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đến việc tạo sinh kế, ổn định đời sống cho đồng bào vốn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chính sách này còn tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên.
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH