Gia đình ông Nguyễn Văn Nhất ở xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà là một trong những hộ được vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng dành cho đối tượng dân tộc thiểu số. Từ nguồn vốn vay, gia đình ông Nhất đã đầu tư trồng cao su, chăn nuôi bò sinh sản, tạo thu nhập ổn định qua từng năm.
Ông Nguyễn Văn Nhất cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Từ khi được ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn, gia đình tôi đầu tư trồng rừng và mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế, cuộc sống từng bước ổn định”.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Không riêng trường hợp ông Nguyễn Văn Nhất, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã và đang đồng hành giúp nhiều người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Theo ông Lê Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Tiến, khi người dân tiếp cận được nguồn vốn vay thì có lợi thế phát triển kinh tế hơn rất nhiều, vì từ nguồn vốn vay giúp đồng bào mua được cây giống, con giống để phát triển trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Trà cho biết: “Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hương Trà đã triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách đối với bà con dân tộc thiểu số. Qua quá trình giám sát sử dụng nguồn vốn của bà con, chúng tôi nhận thấy có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là đời sống của bà con đã được cải thiện. Nhiều gia đình được vay vốn đã có tích lũy để sửa chữa nhà ở cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt. Hiệu quả tín dụng chính sách đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã thể hiện rõ nét và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như của bà con nhân dân”.
Có thể khẳng định, hành trình thoát nghèo, từng bước vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã Hương Trà có sự đóng góp quan trọng với vai trò “bà đỡ” của ngân hàng chính sách xã hội. Các chương trình cho vay đã đạt hiệu quả cao và thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Đặc biệt, hoạt động này đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng, phát triển quê hương.
TUỆ ĐĂNG