Là một xã miền núi vùng sâu, vùng xa của huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2005 trở về trước, Bắc Lãng thuộc một trong những xã nghèo nhất của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 80%; ngoài ra, vấn đề về quản lý, sử dụng rừng và đất rừng nơi đây còn nhiều hạn chế. Mặc dù một số hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất, giao rừng theo Nghị định số 2/CP ngày 15-1-1994 của Chính phủ ban hành bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp nhưng việc phân chia diện tích rừng là không đồng đều, có hộ được giao hàng trăm hec-ta đất, có hộ chỉ được vài hec-ta, thậm chí có gia đình còn không có đất canh tác. Tình trạng đó đã dẫn đến việc mâu thuẫn và kéo theo nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng, cái đói nghèo cũng từ đó luôn đeo đẳng cuộc sống của bà con nơi đây khiến nhiều gia đình phải di cư tự do đến nơi khác để kiếm sống. Thực trạng đó đòi hỏi một sự thay đổi trong quản lý quy hoạch và điều chỉnh đất rừng từ cấp chính quyền cho đến từng hộ dân tại xã Bắc Lãng.
Để công tác giao đất, giao rừng được thuận lợi và có sự công bằng thì phải từng bước tháo gỡ những mâu thuẫn giữa các hộ nhiều đất, ít đất hoặc không có đất. Từ những năm 2006-2007, nhiều cuộc họp giữa chính quyền và người dân đã diễn ra để tìm giải pháp. Với đất rừng mà trước đây giao cho lâm trường quản lý nhưng đang để không, người dân cùng nhau viết đơn xin lại đất. Tại các thôn của bà con người Tày, người Dao cũng họp bàn để có được sự thống nhất ranh giới ruộng, rẫy. Các gia đình cũng tự họp bàn để tự nguyện nhường đất cho nhau, tự đo đạc và tự xác định ranh giới đất rừng.
Trong quá trình giao đất, giao rừng, người dân còn được tập huấn và hiểu rõ quyền cũng như nghĩa vụ của họ trong quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, rừng của cộng đồng thì quản lý để bảo vệ nguồn nước và phát triển trồng cây lâm nghiệp bản địa. Rừng của gia đình để trồng cây keo phát triển kinh tế gia đình. Cứ thế, rừng ở xã Bắc Lãng dần được hồi sinh, đời sống người dân ổn định và kinh tế ngày một khá hơn. Ông Vũ Đăng Hệ, nguyên Phó chủ tịch HĐND xã Bắc Lãng cho biết: “Công tác giao đất, giao rừng ở Bắc Lãng đạt được hiệu quả cao là nhờ công tác tuyên truyền tốt và có sự công bằng cao. Khi người dân được tuyên truyền, họ thấu hiểu thì họ sẵn sàng chia đất của mình cho người khác để cùng nhau sử dụng”.
Sau hơn 15 năm thực hiện giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, kinh tế của người dân ở xã Bắc Lãng đã chuyển hướng nhanh chóng với trọng tâm là kinh tế lâm nghiệp. Người dân yên tâm đầu tư trồng rừng trên diện tích đất được giao, đồng thời có biện pháp bảo vệ, tái sinh tự nhiên đối với các khu rừng, nhờ đó, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Ông Lộc Dương Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lãng cho biết: “Trong những năm qua, công tác trồng rừng ở xã Bắc Lãng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Nhờ rừng, từ xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân đã dần được cải thiện”.
Nhìn những cánh rừng xanh bát ngát ở xã Bắc Lãng có thể khẳng định sự đúng đắn của công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng ở nơi đây. Cùng với đó, những quy định rõ ràng và công bằng trong hưởng lợi từ rừng đã góp phần thúc đẩy người dân gìn giữ và bảo vệ rừng.
HIẾU ANH