Để giúp bà con biết chữ, nâng cao nhận thức, từ đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với hội phụ nữ và các nhà trường tại 3 xã biên giới Thanh, Xy, Lìa mở nhiều lớp học xóa mù chữ. Đối tượng tham gia lớp học chủ yếu là phụ nữ dân tộc Pa Cô từ 20 đến 50 tuổi-những người vì hoàn cảnh khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu mà chưa từng được cầm bút, đến trường. 

Tính đến nay, các lớp học do cán bộ Đồn Biên phòng Thanh trực tiếp giảng dạy ở 3 xã Thanh, Xy, Lìa đã có gần 100 học viên tham gia. Ngoài giờ làm việc, các cán bộ biên phòng lại cặm cụi chuẩn bị giáo án, tận tâm đến lớp hướng dẫn từng nét chữ cho các bà, các mẹ, các chị...

Một lớp học xóa mù chữ do Đồn Biên phòng Thanh tổ chức tại Trường Tiểu học và THCS A Xing, xã Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị), tháng 10-2024. 

Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh, ban đầu, khi được vận động đến lớp học chữ, nhiều người còn e dè, tự ti. Họ sợ cầm bút, sợ mình không theo học được. Nhưng với sự kiên nhẫn, tận tình của cán bộ biên phòng và giáo viên các nhà trường, qua từng buổi học đã dần khơi dậy sự tự tin, ý chí quyết tâm cho đồng bào. Những người phụ nữ vốn mù chữ, trước đây chỉ quen với việc làm rẫy, qua khóa học đã tự tin hơn trong giao tiếp, biết đọc, biết viết, từng bước nâng cao nhận thức xã hội... Đặc biệt, có những học viên sau khi đọc thông viết thạo đã đi làm công nhân ở miền Nam, gửi tiền về cho gia đình.

Không chỉ dừng lại ở việc học chữ, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn lồng ghép giảng dạy, tuyên truyền về truyền thống lịch sử của dân tộc, của địa phương, những kiến thức pháp luật bổ ích, thiết thực, qua đó giúp bà con thêm tự hào về quê hương, đất nước, củng cố tình đoàn kết, gắn bó yêu thương và nâng cao trách nhiệm với cộng đồng. Dù năm nay đã hơn 40 tuổi nhưng chị Hồ Thị Bay ở thôn A Ho, xã Thanh vẫn rất ham học. Sau mỗi buổi lên nương, cứ chiều về chị lại tranh thủ làm việc nhà để buổi tối có thời gian đến lớp học chữ. Chị Bay cho biết: “Nhờ sự nhiệt tình của các thầy, cô giáo và cán bộ Đồn Biên phòng Thanh đã giúp chúng tôi học được con chữ. Tôi sẽ cố gắng chăm chỉ học tập. Biết chữ sẽ có cơ hội tiếp thu nhiều kiến thức để giúp gia đình phát triển kinh tế, làm gương cho con cháu noi theo”.

“Khi những người phụ nữ ở tuổi 40, 50 cầm bút viết được những chữ cái đầu tiên, rồi viết được trọn vẹn họ tên của mình trên trang giấy, chúng tôi rất xúc động. Dù nét chữ nguệch ngoạc nhưng chứa đựng sự cố gắng, ước mơ có cuộc sống tốt hơn. Đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục kiên trì với công việc này”, Thiếu tá Nguyễn Văn Chinh chia sẻ. 

Không chỉ dừng lại ở mô hình lớp học xóa mù chữ, Đồn Biên phòng Thanh còn thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ giáo dục khác, như: “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”..., đóng góp tiền lương để hỗ trợ học phí, mua sách vở, xe đạp... giúp các em học sinh tiếp tục con đường học tập. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Hồ Phú Vinh, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết: “Giáo dục là cách bền vững nhất để thay đổi cuộc sống của người dân vùng biên giới. Khi người dân biết chữ, có kiến thức, họ sẽ tự tin, nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Chính vì vậy, 5 năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Trị đã mở được 9 lớp học xóa mù chữ cho gần 300 học viên; vận động gần 700 học sinh bỏ học quay lại trường...”.

Những lớp học do Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với chính quyền địa phương và các nhà trường tổ chức nhằm xóa mù chữ ở vùng biên giới huyện Hướng Hóa không chỉ góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào Pa Cô nơi đây mà còn lan tỏa tinh thần hiếu học, ý chí vươn lên cho cả cộng đồng. Đây cũng chính là cách mà BĐBP xây dựng thế trận lòng dân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc. 

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.