Bốn thế hệ nhà H’Đam mặc dù mỗi người một nghề, một lĩnh vực khác nhau, người cao tuổi đã ngoài 70, thành viên nhỏ tuổi nhất năm nay mới vào lớp 1... nhưng với tình yêu sâu sắc dành cho âm thanh của cồng chiêng, cả nhà H’Đam đã xây dựng đội cồng chiêng gia đình. Người trước truyền dạy cho người sau, người biết chơi hướng dẫn cho người mới... tất cả đều háo hức mỗi khi âm thanh của cồng chiêng vang lên.
 |
Các thành viên nhà H’Đam Nie Kdăm cùng chơi cồng chiêng.
|
H’Đam chia sẻ: “Mình cũng yêu nhạc trẻ, yêu các nhạc cụ khác, nhưng đây là bản sắc của đồng bào mình, do đó mình học không chỉ là để biết chơi mà còn truyền dạy cho con cháu sau này nữa. Người Tây Nguyên mình tự hào về văn hóa cồng chiêng lắm”.
Đội cồng chiêng của gia đình H’Đam được thành lập từ năm 2018, ban đầu chủ yếu là đàn ông chơi cồng chiêng, nhưng dần dần các thành viên trong gia đình truyền dạy lẫn nhau. Trong những dịp lễ hội của thôn, bản, đội cồng chiêng gia đình H’Đam được mời đi giao lưu, biểu diễn. Chính những lần như vậy càng “thắp lửa” tình yêu của các thành viên đối với nét văn hóa đặc sắc của đồng bào mình.
Bà H’Junih Nie Kdăm, mẹ của H’Đam tâm sự: “Bây giờ cuộc sống hiện đại rồi, nam nữ bình đẳng rồi, nam chơi được cồng chiêng thì nữ cũng chơi được, nên mọi người trong gia đình đều chủ động học và chia sẻ với nhau để nâng cao trình độ. Chúng tôi cũng mời các nghệ nhân trong buôn đến hướng dẫn, cuối tuần mọi người sẽ tập trung để tập luyện”.
H’Đam có bố là một nghệ nhân chơi cồng chiêng người Gia Rai, mẹ là người Ê Đê, ngay từ nhỏ H’Đam và các anh chị mình đã được tiếp xúc với tiếng cồng chiêng nên tình yêu với âm thanh của đại ngàn đã ngấm vào máu của họ. Các thành viên trong gia đình H’Đam hiểu sâu sắc giá trị của văn hóa cồng chiêng mà cha ông để lại, họ không chỉ đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống, trong công việc mà còn truyền dạy cho nhau tình yêu sâu sắc với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình. Những thế hệ đi trước sẽ nuôi dưỡng tâm hồn cũng như tình yêu cho thế hệ sau.
Trong mỗi buổi luyện tập cồng chiêng, mặc cho những giọt mồ hôi lăn trên gò má, những chiếc áo ướt sũng nhưng ai cũng nở nụ cười tươi rói. Căn nhà dài cùng với bộ cồng chiêng mà cha ông để lại vẫn được con cháu bảo quản, lưu giữ và hằng tuần là nơi sum vầy nhộn nhịp đón con cháu trở về. Có lẽ chính những phút giây đó là khoảng thời gian mà họ cảm nhận được sâu sắc giá trị của tình cảm huyết thống mà văn hóa là cây cầu chắp nối những điều giản dị mà thiêng liêng ấy.
Việc xây dựng những đội cồng chiêng của gia đình như gia đình H’Đam là vô cùng ý nghĩa. Nó tạo nên sức lan tỏa rất lớn trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa cồng chiêng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: BẢO CHÂU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.