Chỉ tay vào đàn bò trong chuồng, Bí thư chi bộ thôn Tìa Chí Dùa - Sùng Mí Pó khoe với chúng tôi: “Giờ nhà mình có 6 con bò, con nào cũng béo tốt… Nếu ngày trước mình không kiên quyết thực hiện đám tang theo nếp sống mới thì gia đình không còn bò để cày nương nữa, chứ đừng nói đến có nhiều bò như thế này”.
 |
Đồng chí Sùng Mí Pó (thứ 2 từ trái sang), Bí thư chi bộ thôn Tìa Chí Dùa đang chia sẻ về quá trình vận động dòng họ Sùng thực hiện xóa bỏ hủ tục trong đám tang. |
Được biết, thôn Tìa Chí Dùa có 51 hộ, 245 nhân khẩu, có 7 dòng họ cùng sinh sống (dòng họ Sùng, Ly, Vừ…), trong đó dòng họ Sùng của anh Pó chiếm đa số (18 hộ, 89 nhân khẩu, 9 đảng viên); thôn có 100% người dân tộc Mông sinh sống, các dòng họ người Mông nơi đây có tập tục, trong dòng họ khi có người chết, anh, em bên nội, ngoại của hai bên gia đình phải dắt bò đến, toàn bộ số bò dắt đến đều phải giết mổ để cúng tế và sẽ được gia chủ tang gia trả lễ khi nhà mình có người chết. Tập tục này được truyền từ đời này sang đời khác, nếu đời bố chưa trả hết bò thì đến đời con, thậm chí đời cháu phải trả lễ thay. Để thi hài người chết nằm trên một chiếc cáng tre từ 5-7 ngày, đêm ở giữa nhà trong gần 1 tuần mới được đưa đi an táng, đến huyệt mới cho vào áo quan cũng là nỗi ám ảnh với người còn sống và ảnh hưởng đến môi trường… Những hủ tục này đã đeo bám khiến cuộc sống đồng bào nơi đây thêm đói nghèo.
Bí thư chi bộ Sùng Mí Pó kể: “Năm 2023, bác ruột tôi là ông Sùng Dình Páo mất, khi chính quyền địa phương đến tuyên truyền đưa thi hài người chết vào áo quan, nhưng các bậc cao niên trong họ không đồng ý, bởi theo phong tục, tập quán của người Mông, khi trong dòng họ có người chết, gia chủ tang gia không có quyền quyết định mà do trưởng dòng họ và các bậc cao niên. Tôi và bác trưởng họ là Sùng Sái Nô phối hợp với các đồng chí lãnh đạo huyện, thị trấn cố gắng thuyết phục các bác lớn tuổi. Phải mất gần nửa ngày các bậc cao niên mới nhất trí đưa thi hài vào áo quan”.
 |
Đồng chí Sùng Mí Pó (bên trái), vui mừng khi dòng họ Sùng được nhận giấy khen là dòng họ tiêu biểu trong xóa bỏ hủ tục. |
Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy bài trừ các hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, ngày 1-5-2022, về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27) cả hệ thống chính trị huyện Mèo Vạc đã vào cuộc.
Là người trực tiếp xuống tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện cải tiến đám tang từ những ngày đầu khi Nghị quyết 27 mới ra đời, đồng chí Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, nguyên là Bí thư Đảng ủy thị trấn Mèo Vạc, cho biết: “Chúng tôi coi đây như “cuộc chiến” bởi khi trực tiếp trao đổi, trò chuyện, vận động gia đình mới thấy được tính chất khó khăn, phức tạp. Có những hộ gia đình, khi chúng tôi đến vừa đề cập đến nội dung, họ đóng cửa đuổi cán bộ về; nhưng chúng tôi cứ kiên trì, tập trung vào những người có tiếng nói trong dòng họ như đảng viên, trưởng họ, bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn, người có uy tín… Đến khi gia đình, dòng họ nhất trí thực hiện, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc hỗ trợ hộ gia đình từ việc tìm áo quan, thầy cúng, quá trình tổ chức tang lễ…”.
 |
Anh Sùng Dũng Chính (thuộc dòng họ Sùng) chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Theo Bí thư chi bộ Sùng Mí Pó, sau khi làm tang ma xong thì anh em trong dòng họ Sùng vẫn còn nhiều ý kiến phản đối. Sau một thời gian, nhận thấy việc tổ chức theo hình thức mới vừa đảm bảo sự tôn nghiêm với người mất, không còn cảnh phải “trả nợ” sau khi tổ chức đám nên các hộ đã làm theo. Vừa rồi, trong dòng họ cũng có cháu Sùng Mí Lình, sinh năm 1984, đi xuống Nam Định làm việc, không may bị tai nạn dẫn đến tử vong, cả dòng họ nhất trí tổ chức đám tang theo tinh thần Nghị quyết 27.
Với 387 đảng viên và 18 chi bộ, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 27, Đảng bộ thị trấn Mèo Vạc đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công cụ thể từng đồng chí phụ trách từng thôn, tổ dân phố; tổ chức ký cam kết giữa cấp ủy với các chi bộ, chi bộ với đảng viên để triển khai thực hiện; đặc biệt, tích cực tuyên truyền, vận động các dòng họ, tổ chức cho các dòng họ ký cam kết xóa bỏ hủ tục. Đồng thời, tích cực hướng dẫn người dân phát triển kinh tế; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư của Chính phủ, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang được triển khai đến người dân công khai và hiệu quả.
Anh Ly Mí Chứ, một đảng viên trẻ thôn Tìa Chí Dùa khẳng định: “Sau khi được tuyên truyền, tôi thấy việc thực hiện xóa bỏ hủ tục trong đám tang ở đồng bào Mông mình là rất đúng, hợp lý; tôi cũng sẽ tích cực cùng các đảng viên trong thôn tuyên truyền gia đình, dòng họ tôi thực hiện theo”.
 |
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đến thăm thôn Tìa Chí Dùa. |
Nhờ thực hiện tốt việc tuyên truyền người thân, dòng họ và bản thân gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết 27, anh Pó nhận được nhiều giấy khen của các cấp; đặc biệt, dòng họ Sùng được Huyện ủy Mèo Vạc lựa chọn là dòng họ tiêu biểu để các dòng họ khác trên địa bàn đến học tập và noi theo khi thực hiện đủ, đúng các tiêu chí của Nghị quyết 27 như, tổ chức đám tang không quá 48 tiếng, chỉ mổ một con gia súc và đưa thi hài người chết vào áo quan trước khi tổ chức các nghi lễ tang ma.
Đồng chí Vừ Mí Hờ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Mèo Vạc cho hay: “Không chỉ gương mẫu đi đầu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong dòng họ và nơi ở, Bí thư chi bộ thôn Sùng Mí Pó còn tích cực tuyên truyền vận động các dòng họ khác trong thôn thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27; hỗ trợ bà con trong thôn tập trung phát triển kinh tế”.
Rời Tìa Chí Dùa, chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh cái nắm tay thật chặt của đồng chí Bí thư Chi bộ thôn Sùng Mí Pó với đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, Ngô Mạnh Cường, cùng lời hứa: “Đồng chí Phó chủ tịch yên tâm nhé, giờ cả dòng họ mình đều nhất trí thực hiện đưa thi hài người chết vào áo quan”.
Dưới ánh sáng soi đường của Đảng, sự đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự gương mẫu của Bí thư chi bộ Sùng Mí Pó hay tiên phong của dòng họ Sùng thôn Tìa Chí Dùa đã góp phần quan trọng xóa bỏ hủ tục bủa vây cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bài, ảnh: HÀ LINH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.