Giờ đây, cô và trò tại Điểm trường Mầm non Tam Lư tại bản Tình (xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) không còn phải chạy mưa, chạy nắng, không phải ăn, nghỉ tạm bợ, bởi cô và trò nơi đây đã có ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, có nơi ở bán trú. Cô Hà Thị Tiếp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Lư cho biết: “Với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Điểm trường Mầm non Tam Lư tại bản Tình được xây dựng với 4 phòng học tiêu chuẩn, thiết kế phù hợp với điều kiện học tập của các cháu mầm non, có đầy đủ hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh khép kín. Cùng với đó, Ban CHQS huyện Quan Sơn còn huy động cán bộ, chiến sĩ, dân quân giúp hàng trăm ngày công để hoàn thành công trình. Điểm trường mới mang nhiều giá trị, không những tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập mà còn là nơi vui chơi của các cháu mỗi khi đến trường”.

 Lực lượng vũ trang huyện Mường Lát (Thanh Hóa) giúp bản Chai, xã Mường Chanh xây dựng khu vui chơi, thể thao. Ảnh: THANH HẢI

Không chỉ bản Tình mà còn nhiều thôn, bản khó khăn, vùng đồng bào DTTS của tỉnh Thanh Hóa được hưởng lợi từ Chương trình 1719, đơn cử như bản Chim của xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, nơi có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bản Chim được xã Nhi Sơn lựa chọn phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2023. Tuy đã tập trung nhiều nguồn lực, song một số chỉ tiêu về đường sá, công trình vệ sinh, công trình văn hóa chưa đạt. Phát huy trách nhiệm của đơn vị đóng quân trên địa bàn, Ban CHQS huyện Mường Lát đã hỗ trợ số tiền hơn 10 triệu đồng và ngày công xây dựng nhà văn hóa cùng hệ thống loa đài, khánh tiết; ủng hộ gần 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công xây dựng 19 nhà vệ sinh và hệ thống điện năng lượng mặt trời. Cùng với đó, Ban CHQS huyện Mường Lát còn là lực lượng nòng cốt phối hợp tham gia giúp bà con trên địa bàn huyện xây 740 căn nhà kiên cố theo Chương trình 1719.

Đại tá Nguyễn Hữu Thuật, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ năm 2021 đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo ban CHQS các huyện, thành phố nhận đỡ đầu, giúp các thôn, bản khó khăn xây dựng nông thôn mới. Ngoài Điểm trường mầm non Tam Lư tại bản Tình, cơ quan quân sự các cấp ở Thanh Hóa còn hỗ trợ xây dựng 42 nhà đại đoàn kết, 56 nhà tình nghĩa, 5 nhà đồng đội, 3 ngôi nhà 100 đồng với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Trung đoàn 762 tổ chức hai đợt hành quân dã ngoại làm công tác dân vận trên địa bàn các xã miền núi khó khăn. Cùng với đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã tiết kiệm chi tiêu, tự nguyện đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phòng, chống thiên tai” với số tiền hơn 9,7 tỷ đồng...".

Thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, đến nay, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ, nhận nuôi 128 cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 1,3 tỷ đồng; tuyên truyền, vận động đồng bào giao nộp 45 vũ khí tự chế, phá bỏ hơn 500m2 đất trồng cây thuốc phiện; ngăn chặn 70 đối tượng có biểu hiện xuất cảnh trái phép và 19 vụ truyền đạo trái pháp luật; phối hợp tổ chức 9 lớp bồi dưỡng dạy chữ viết, nói tiếng của đồng bào cho 120 cán bộ, nhân viên...

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt là sự giúp đỡ của Bộ CHQS tỉnh, đến nay, các chỉ tiêu trong thực hiện Chương trình 1719 của tỉnh Thanh Hóa cơ bản đạt và vượt mục tiêu đề ra. Như tiêu chí giảm nghèo là đồng bào DTTS, tỉnh Thanh Hóa xác định mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo, nhưng năm 2022, tỉnh đã giảm được 5,88%; năm 2023 giảm được khoảng 4,5% tổng số hộ nghèo là người DTTS. Do đó đến nay, đời sống của đồng bào từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đ­ược giữ vững; các tệ nạn xã hội, tập tục lạc hậu giảm; mối đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

HOÀNG THÁI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan