Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 (Chương trình 1719) đã giúp các phum, sóc vùng biên Tri Tôn khởi sắc.

Ô Lâm là xã miền núi của huyện Tri Tôn, có hơn 98% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình 1719, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Khmer ngày càng được nâng lên. Những con đường bê tông trải thẳng dài, những ngôi nhà dột nát được thay thế bằng nhà kiên cố.

Nhiều hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, tạo điều kiện vay vốn, từ đó xuất hiện những mô hình nuôi bò sinh sản, heo, gà... đã giúp đời sống của bà con phát triển đáng kể. Ông Chau Sóc Sa-người có uy tín ở ấp Phước Bình, xã Ô Lâm cho biết: “Trước đây, các con đường trong ấp xuống cấp, mùa mưa thì ngập nước, mùa nắng thì bụi, người dân đi lại rất khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình 1719, đến nay, các con đường đều được trải bê tông sạch, đẹp. Người dân trong ấp ai cũng vui mừng”.

leftcenterrightdel
Nhờ nguồn vốn của Chương trình 1719, gia đình ông Chau Rôthy ở ấp Phước Bình, xã Ô Lâm (Tri Tôn, An Giang) thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo cho thu nhập ổn định. 

Không chỉ làm đường giao thông nông thôn, từ Chương trình 1719, xã Ô Lâm còn xây dựng các trường học ngày càng khang trang, sạch, đẹp; các khu di tích lịch sử cách mạng được chỉnh trang; các ngành nghề truyền thống được khôi phục, khuyến khích người dân lao động sản xuất để nâng cao thu nhập.

Đồng chí Chau Phi Rôm, Phó chủ tịch UBND xã Ô Lâm cho biết: “Từ nguồn vốn Chương trình 1719, đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án, xã Ô Lâm đã ưu tiên hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt phân tán và chuyển đổi ngành nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân. Theo đó, xã đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 25 hộ dân (mỗi hộ 10 triệu đồng) và triển khai hỗ trợ nhà ở cho 72 hộ (mỗi hộ 44 triệu đồng). Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 1719, đồng bào Khmer có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Còn tại xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, thời gian qua đã tích cực triển khai các chính sách để hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, thụ hưởng, từng bước cải thiện đời sống. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình 1719, năm 2023, xã Lê Trì đã triển khai duy tu, sửa chữa 4 tuyến đường, nạo vét 4.419m mương thoát nước với tổng vốn đầu tư hơn 15,1 tỷ đồng; hỗ trợ 62 gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 4 công trình nước sinh hoạt tập trung với tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng cho vùng đồng bào DTTS ở các ấp: Sóc Tức, An Thạnh, Trung An.

Có thể khẳng định, Chương trình 1719 có ý nghĩa, tác động lớn trong nỗ lực nâng cao đời sống đồng bào DTTS Khmer. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Bé Tám, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết: “Theo kế hoạch, thực hiện Chương trình 1719, trong giai đoạn 2021-2025, huyện Tri Tôn được giao tổng số vốn là hơn 138,4 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 92,1 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 46,3 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 3-2024, lũy kế vốn của Chương trình 1719 bố trí cho huyện được gần 91,19 tỷ đồng (đạt gần 65,9% tổng vốn giai đoạn 2021-2025), chúng tôi đã giải ngân được hơn 40,3 tỷ đồng. Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng, các mô hình sinh kế giảm nghèo, Tri Tôn còn làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo trên địa bàn. Bằng nhiều nỗ lực, đến hết năm 2023, toàn huyện còn 2.164 hộ nghèo (chiếm 6,47%), trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS là 1.598 hộ (chiếm 14,35% tổng số hộ DTTS)”.

Nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm thoát nghèo của người dân đã giúp kinh tế vùng đồng bào dân tộc ở huyện Tri Tôn ngày một phát triển, đời sống bà con thêm khấm khá. Qua đó góp phần phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, giữ gìn khối đoàn kết các dân tộc ở địa phương.

Bài và ảnh: KHÁNH UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.