Chúng tôi có mặt tại bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Tham quan các mô hình chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp của bà con được đầu tư bài bản, ít ai nghĩ rằng đã có một thời Piềng Tặt chìm trong đói nghèo. Theo đồng chí Vi Văn Yêu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản, Piềng Tặt có được sự đổi thay này, ngoài việc chung tay, hỗ trợ của các cấp, các ngành thì vai trò của đội ngũ đảng viên hết sức quan trọng, trong đó sự gương mẫu đi đầu của đảng viên Lò Văn Ún được bà con trong bản nể phục.

Cách đây 15 năm, thanh niên Lò Văn Ún được Đội sản xuất 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 5 (Quân khu 4) giúp đỡ, bồi dưỡng trở thành đảng viên, rồi đảm nhiệm Phó bí thư Chi bộ, Trưởng bản Piềng Tặt. Để làm gương cho bà con noi theo, anh Ún đã khai hoang diện tích đào ao nuôi cá và nhận thêm đất rừng trồng cây dược liệu; xây dựng mô hình trang trại nuôi gia súc, gia cầm. Mô hình thành công, nhiều hộ dân đến học tập và được anh Ún sẵn lòng hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống. Trên cương vị Phó bí thư Chi bộ, anh tích cực bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ. Nhờ vậy, năm 2013, Chi bộ bản Piềng Tặt có 7 đảng viên thì nay đã có 22 đảng viên.

 Một góc nhỏ thị trấn Mường Lát. Ảnh: Tuấn Bình

Trong chuyến công tác trở lại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, chúng tôi thấy được mảnh đất đầy khó nhọc ngày nào giờ đây đã có nhiều đổi khác. Những vườn dược liệu, đồi chè Shan tuyết, ruộng lúa bạt ngàn là tiền đề vững chắc giúp bà con thoát khỏi đói nghèo, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong sự khởi sắc ấy có những nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ, đảng viên đầy bản lĩnh, sáng tạo và tâm huyết. Họ được ví như những cánh chim đầu đàn, “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân nơi rẻo cao Kỳ Sơn. 

Tại bản Buộc Mú, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), đảng viên Xồng Bá Lẩu được bà con hết lời khen ngợi bởi những mô hình phát triển kinh tế do anh mạnh dạn đi đầu. Năm 2016, thanh niên Xồng Bá Lẩu tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Không lựa chọn bám trụ lại các thành phố để tìm việc làm, anh trở về lập nghiệp tại quê nhà; tích cực tham gia các hoạt động và được kết nạp Đảng. Với vốn kiến thức về lĩnh vực nông-lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, cùng với sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) và Tổng đội thanh niên xung phong 8, Xồng Bá Lẩu mạnh dạn nhận thêm đất rừng và cải tạo, vận động bà con trồng các loại cây dược liệu, dong riềng, chè Shan tuyết... Anh còn đầu tư xưởng chế biến sản phẩm chè Shan tuyết và dược liệu để giải quyết khâu chế biến, tiêu thụ đầu ra sản phẩm cho gia đình và bà con. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, cũng như thực hiện hiệu quả nội dung "Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý" nằm trong dự án "Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị" của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Còn nhiều đảng viên trên dọc tuyến biên giới các tỉnh Bắc Trung Bộ mà chúng tôi được biết luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào. Đa số đảng viên là người dân tộc thiểu số trưởng thành từ các phong trào ở cơ sở nên sâu sát thực tế, gần gũi, gắn bó với bà con... Bên cạnh nêu gương về đạo đức, lối sống, đảng viên tại các địa phương còn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, trở thành điển hình tiêu biểu cho người dân học tập, làm theo...

NGỌC THĂNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan