Mù Cang Chải được biết tới là một trong những huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Từ xa xưa, cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu gắn với những thửa ruộng bậc thang, địa bàn bị chia cắt bởi đồi núi, việc đi lại gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là những tập tục lạc hậu đeo bám. Theo số liệu thống kê về tình trạng tảo hôn tại huyện Mù Cang Chải, năm 2020 có 47 trường hợp, năm 2021 có 27 trường hợp và năm 2022 trên địa bàn huyện vẫn còn 13 trường hợp. Các trường hợp tảo hôn chủ yếu là những bé gái 14, 15 tuổi.

leftcenterrightdel
Chợ phiên Mù Cang Chải thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc của huyện Mù Cang Chải và du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Ảnh minh họa: TTXVN 

Tình trạng tảo hôn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với không ít người, việc cưới vợ cho con cũng đồng nghĩa với việc trong nhà có thêm người làm nương, làm rẫy, có thêm người lo toan việc gia đình, vì vậy, có con dâu càng sớm càng tốt. Mặt khác, do trình độ dân trí chưa cao, sự hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế nên nhiều năm qua, những hủ tục như tảo hôn vẫn dai dẳng tiếp diễn. Ông Hảng A Ký, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mù Cang Chải cho biết: “Để giảm tình trạng tảo hôn, thời gian qua, huyện đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể. Ngoài việc tuyên truyền miệng, chúng tôi còn xây dựng các chương trình, làm video, đến tận thôn, bản tuyên truyền...”.

Những năm qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các nội dung này cũng được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch lồng ghép, đưa thành một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn để xét và công nhận danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, từ khi có Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”; “thôn văn hóa”, “làng văn hóa”, “ấp văn hóa”, “bản văn hóa”, “tổ dân phố văn hóa”, cùng các văn bản quy phạm về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước càng tạo thêm nền tảng cho những chuyển biến tích cực trong việc loại bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa cộng đồng. Ngày 28-12-2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2214/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2021-2026. Mục tiêu nhằm gắn kết và phát huy vai trò của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ chủ trương của chương trình, nhiều phong trào thi đua đã được triển khai, mang lại sự đổi thay mạnh mẽ về đời sống tinh thần của đồng bào DTTS.

Để giúp đồng bào các DTTS đẩy lùi tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ban ngành, đoàn thể, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Có như vậy mới sớm giúp đồng bào vượt qua được rào cản của phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh.

TUỆ ĐĂNG