Với việc tuyên truyền, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, thay thế những cây kém hiệu quả bằng những loại cây cho thu nhập cao, hình thành các vùng chuyên canh cây nông nghiệp rộng lớn, những năm gần đây đời sống người dân ở Mường Khương đã đổi thay, kinh tế-xã hội từng bước đi lên. Những kết quả đạt được của Mường Khương về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là minh chứng rõ nét nhất cho sự vượt khó, vươn lên của chính quyền và người dân nơi đây.

leftcenterrightdel

 Phấn đấu đến năm 2030, Mường Khương có trên 5.000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: laocaitv.vn

Mới đây chúng tôi có dịp đến các xã Bản Lầu, Nậm Chảy của huyện Mường Khương, dọc các tuyến đường là những cánh đồng trồng chuối bạt ngàn trải dài khắp các quả đồi. Qua tìm hiểu được biết, phát triển vùng trồng chuối chuyên canh đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các dân tộc Mông, Giáy, Nùng ở khu vực giáp biên này. Hiện nay, Mường Khương là huyện có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh Lào Cai, được trồng chủ yếu tại các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Lùng Vai, Thanh Bình với năng suất ước đạt 20 tấn/ha.

Tại xã Nậm Chảy phần lớn các hộ gia đình đều có diện tích trồng chuối từ vài trăm gốc đến hàng nghìn gốc. Sau khoảng 3 tháng kể từ lúc bao trái, khi quả chuối đã tròn căng, người dân bắt đầu thu hoạch từng buồng lớn, vận chuyển đến nơi tập kết. Tại đây chuối được phân loại, chia nải, đóng thùng và vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ. Ban đầu ở xã chỉ có một vài hộ trồng chuối, sau khi thu hoạch cho năng suất cao, thu nhập khá, từ đó các gia đình trong xã học hỏi nhau, dần dần chuyển diện tích trồng ngô và hoa màu sang trồng chuối. Với điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, người dân ở Nậm Chảy đã phát triển được hàng chục héc-ta chuối. Ông Ma Chiến Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Chảy cho biết: “Xác định nông nghiệp là hướng phát triển kinh tế chủ yếu, chúng tôi mạnh dạn tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ trồng ngô, lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng chuối. Đến nay, nhờ cây chuối mà nhiều gia đình đã vươn lên, qua đó tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã cũng giảm mạnh theo từng năm”.

Bên cạnh phát triển kinh tế nhờ cây chuối, Mường Khương còn lựa chọn cây chè để giúp người dân thoát nghèo bền vững, bởi chè là cây phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với trình độ canh tác của người dân các xã vùng cao và ít chịu rủi ro bởi thiên tai. Qua thực tế canh tác, cây chè mang lại nguồn thu ổn định nên được người dân lựa chọn thay thế các cây trồng truyền thống như ngô, đỗ tương. Hiện nay, Mường Khương có hơn 4.800ha chè được trồng tại 8 xã trong vùng quy hoạch, trong đó trồng nhiều nhất là ở xã Lùng Vai. Ông Vương Thanh Phúc ở thôn Lùng Vai, xã Lùng Vai cho biết: “Thôn chúng tôi có 116 hộ thì có đến 110 hộ triển khai trồng chè. Tổng diện tích trồng chè toàn thôn gần 70ha. Mỗi héc-ta trồng chè cho thu hoạch khoảng 15 tấn chè búp tươi/năm, qua đó giúp người dân thu về 60 triệu đồng/ha. Hiện nay chè là loại cây mang lại thu nhập chính, giúp người dân nâng cao thu nhập, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm đáng kể”.

Không chỉ phát triển kinh tế nhờ cây chuối, chè, từ nhiều năm nay, người dân ở Mường Khương còn chuyển đổi sang trồng cây quýt ngọt, cây sa nhân để phát triển kinh tế. Các loại cây này đã và đang có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của huyện. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà trên vùng đất này đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình khá, vươn lên làm giàu, bộ mặt khu vực nông thôn, vùng cao dần thay đổi theo hướng tích cực. Mường Khương đã thực sự chuyển mình, để đạt được điều này, không chỉ là thành quả của sự chăm chỉ, chịu khó của đồng bào các dân tộc dọc các xã vùng biên mà còn nhờ tư duy đổi mới của các cấp chính quyền ở Mường Khương.

TUỆ ĐĂNG