Huyện Mai Sơn hiện có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, còn lại là dân tộc Mường, Mông, Khơ Mú, Xinh Mun. Trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, đời sống kinh tế-xã hội, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Để triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, các cấp chính quyền huyện Mai Sơn đã tập trung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong phát triển kinh tế-xã hội. Huyện cũng đã huy động các nguồn lực đầu tư, ưu tiên giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn của đồng bào DTTS, góp phần nâng cao thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

leftcenterrightdel
  Huyện Mai Sơn hỗ trợ người dân bản Nà Nhụng, xã Phiêng Pằn xây dựng cầu treo dân sinh.

Mới đây, chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Vui, bản Nặm Pút, xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ triển khai mô hình trồng cây ăn quả. Đứng từ sân nhà chỉ tay lên quả đồi trồng cam, bưởi, ông Vui cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn, sản lượng thu hoạch thấp nên năm nào cũng không đủ ăn. Năm 2016, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi tham quan, học hỏi một số mô hình trồng cây ăn quả, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1,2ha đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả, đồng thời, liên kết với Hợp tác xã Trường Tiến ở xã Chiềng Ban học tập thêm kinh nghiệm. Nhờ chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nên mỗi năm gia đình tôi có thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Đặc biệt năm nay thương lái đã đặt mua cả vườn cam nên gia đình không phải lo đầu ra nữa”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, từ năm 2023 đến nay, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hơn 1.200 hộ dân với tổng kinh phí 23,4 tỷ đồng; đầu tư 38 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn 10 xã và 10 bản đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hơn 57,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng đã cho 2.996 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ vùng khó khăn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 112 tỷ đồng. Qua công tác kiểm tra, hầu hết hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, thực hiện trả gốc, lãi đúng quy định. Ngoài ra, huyện còn kêu gọi sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xóa 208 nhà tạm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Dân tộc huyện Mai Sơn cho biết: “Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của từng vùng và nhu cầu của người dân, huyện đã triển khai các chương trình, chính sách, dự án đến người dân được hưởng lợi, bảo đảm đúng đối tượng, đủ số lượng, công khai, minh bạch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phân bổ chi tiết các nguồn vốn hỗ trợ người dân vùng khó khăn phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo”.

Nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, đến nay, cơ sở hạ tầng tại các vùng khó khăn của huyện Mai Sơn được đầu tư xây dựng đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Năm 2023, thu nhập bình quân đạt hơn 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,79%; hơn 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 89% dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư được xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân...

Để nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian tới, huyện Mai Sơn tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao trình độ dân trí; lồng ghép các chương trình, dự án, huy động nhiều nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện và trình độ canh tác của vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn. Phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 2%, đối với 10 xã đặc biệt khó khăn giảm từ 4% trở lên; toàn huyện sẽ hoàn thành công tác xóa nhà tạm.

Bài và ảnh: PHAN THẢO

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.