Trước thực trạng này, Huyện ủy Sa Thầy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/HU ngày 25-10-2021 về cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025 (Đề án 07) nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cải tạo khoảng 300ha vườn tạp; hình thành các vườn cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao và từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong sản xuất nông nghiệp, tạo động lực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ, đảng viên và người dân xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) trao đổi kinh nghiệm cải tạo vườn tạp, trồng cây sầu riêng. 

Qua 3 năm triển khai Đề án 07, toàn huyện Sa Thầy đã cải tạo được 757,73ha vườn tạp, gấp hơn 2,5 lần chỉ tiêu đề án đặt ra trong giai đoạn 2021-2025; huy động 2.541 hộ gia đình tham gia, trong đó có 1.443 hộ đồng bào DTTS với nhiều mô hình hay, hiệu quả, như: Trồng cây sầu riêng ghép diện tích 10ha với 59 hộ tham gia ở xã Ya Xiêr; cải tạo vườn tạp trồng sầu riêng ở hai xã Ya Tăng, Ya Ly với 75 hộ tham gia; trồng sầu riêng, mít, bơ với hệ thống tưới tiết kiệm... Đặc biệt, toàn huyện đã dấy lên phong trào mỗi cơ quan, đơn vị phụ trách giúp một thôn, làng; mỗi cán bộ, đảng viên giúp một hộ dân cải tạo vườn tạp, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập tục canh tác của đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới...

Theo đồng chí A Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn ở làng Le, xã Mô Rai, làng Le là nơi sinh sống của đồng bào Rơ Măm, nhận thức và trình độ canh tác của bà con còn lạc hậu; thời tiết vùng biên giới Mô Rai khắc nghiệt lại thiếu nguồn vốn nên việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều phiên họp chi ủy, chi bộ và sinh hoạt toàn thể nhân dân, làng Le quyết tâm làm và chọn các đồng chí đảng viên: A Thái, A Niểu, A Ék, A Niểu, A Việt, A Kinh, A Trinh, Y Vác... làm trước để người dân học tập, làm theo. 

“Được sự quan tâm của huyện từ việc chỉ đạo tổ công tác, phân công cơ quan chức năng, cán bộ có kinh nghiệm hướng dẫn đảng viên, người dân kỹ thuật làm đất, trồng cây, chăm sóc đến huy động nguồn lực hỗ trợ gần 800 cây giống với kinh phí gần 150 triệu đồng, nhờ đó, làng Le đã tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo được gần 10,5ha vườn tạp để trồng rau sạch, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao”, đồng chí A Thái phấn khởi nói.

Đồng chí Y Sâm, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sa Thầy cho biết, trong cải tạo vườn tạp, hiệu quả không chỉ thể hiện ở những con số "biết nói" trên, mà còn góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đồng thời, giúp nhân dân, nhất là đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. 

Bài học thành công trong thực hiện Đề án 07 là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn, làng; tập trung tuyên truyền, tổ chức tập huấn, các đợt sinh hoạt chính trị để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; triển khai thực hiện Đề án 07 gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cùng với đó là thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với quy hoạch nông thôn mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của huyện. Một nội dung quan trọng nữa là huyện đã lồng ghép nhiều nguồn vốn và huy động được hơn 14,12 tỷ đồng để thực hiện đề án từ các chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến nông, nguồn vốn xã hội hóa, tiến hành hỗ trợ cây giống cho 1.102 hộ, trong đó hơn 95% là đồng bào DTTS.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.