Những năm qua, triển khai Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số chương trình, dự án bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào các DTTS. Thực tế hiện nay cho thấy, số người biết viết, biết đọc chữ của đồng bào DTTS ngày càng ít, chủ yếu là các nghệ nhân cao tuổi, các nhà nghiên cứu và sưu tầm văn hóa.

Đồng bào các dân tộc Thanh Hóa luôn ý thức bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Ảnh: chinhphu.vn 

 

Ở tỉnh Thanh Hóa, dân tộc Mường hiện có khoảng 400.000 người, sinh sống chủ yếu ở 11 huyện miền núi. Người Mường có văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú và đa dạng, trong đó nhiều sản phẩm văn hóa không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Mường mà còn của cả dân tộc Việt Nam, như sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, mo Mường, diễn xướng cồng chiêng... Để bảo tồn và phát triển kho tàng văn hóa ấy, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian luôn trăn trở gìn giữ chữ viết của đồng bào dân tộc Mường. Ví như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải (người dân tộc Mường), hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã dành nhiều năm sưu tập, khảo cứu để hệ thống hóa bộ chữ viết Mường. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Cao Sơn Hải và các nhà nghiên cứu đã đề xuất bộ chữ Mường ở Thanh Hóa có 29 chữ cái, 136 vần, 14 nguyên âm, 9 phụ âm cuối và 6 thanh. Việc xây dựng bộ chữ Mường là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm cụ thể hóa đề án bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống của đồng bào DTTS tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2023-2025 của UBND tỉnh.

Người Thái là đồng bào DTTS đông thứ 2 ở Thanh Hóa với hơn 230.000 người. Theo tiến trình lịch sử dân tộc, có 2 nhóm người Thái di cư về Thanh Hóa là Thái đen và Thái trắng. Chữ viết của người Thái có cấu tạo khá phức tạp, mỗi ngành Thái ở các địa phương lại có cách sử dụng khác nhau, chính vì vậy, quá trình sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, phổ biến và giảng dạy chữ Thái cổ ở Thanh Hóa gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa có nhiều nghệ nhân, nhà nghiên cứu dân gian nỗ lực sưu tầm, truyền dạy chữ Thái cho thế hệ trẻ, như ông Hà Văn Thương, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa; ông Cao Bằng Nghĩa, hội viên Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam... Ông Nghĩa cho biết: “Chỉ có biết đọc, biết viết chữ dân tộc mình thì mới giữ được hồn cốt dân tộc, biết được trí thức cha ông để lại qua những trang sách, biết được sự giáo dục của cha ông ta từ xa xưa. Tôi luôn mong muốn con em đồng bào dân tộc Thái đừng từ bỏ tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Bởi nếu bỏ chữ Thái, tiếng Thái thì sẽ không còn là người Thái nữa”.

Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của các nghệ nhân, nhà nghiên cứu dân gian, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các DTTS. Dù còn nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, giáo trình, giáo viên giảng dạy, thế nhưng ở nhiều trường học đã bắt đầu đưa môn chữ viết của đồng bào DTTS vào giảng dạy như một môn tự chọn hoặc ngoại khóa để các em không quên đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Thầy giáo Lê Văn Thảo, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc) cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, khi các em lên lớp, việc giảng dạy sẽ được thực hiện bằng tiếng phổ thông, còn sinh hoạt ngoài giờ thì các em sẽ trao đổi với nhau bằng tiếng DTTS. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các em không quên những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Việc gìn giữ được tiếng nói, chữ viết chính là công cụ quan trọng để mỗi dân tộc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

KIM TUYẾN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.