Trong bối cảnh dịch Covid-19, bên cạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, việc xây dựng và triển khai phương án điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ứng phó với dịch đã được huyện Mù Cang Chải thực hiện hiệu quả.

Trước đây, gia đình ông Thào A Phổng ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt cấy lúa theo phương thức độc canh một vụ với các giống lúa ở địa phương cho năng suất thấp. Vì vậy, kinh tế gia đình ông luôn khó khăn. Hiện nay, ông đã chuyển sang gieo trồng các giống lúa mới có năng suất cao hơn, đất ruộng đã đưa vào cất hai vụ lúa. Bên cạnh đó, gia đình ông mạnh dạn phá bỏ dần tập quán chăn nuôi thả rông truyền thống, thay vào đó là nuôi nhốt gia súc, gia cầm.

Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Mù Cang Chải có cuộc sống ấm no. Ảnh: YÊN LẬP.

Trang trại nuôi lợn rừng của ông mỗi năm cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng. Trước khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước, lợn rừng của gia đình ông được bán trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên hiện nay, do tình hình vận chuyển hàng hóa khó khăn, ông Phổng đã đẩy mạnh cung cấp thịt lợn rừng cho khách hàng, nhà hàng trên địa bàn huyện. "Qua nghiên cứu, tôi thấy lợn rừng rất dễ nuôi, thức ăn đơn giản, ít bị dịch bệnh nên không mất nhiều công chăm sóc. Lợn rừng có thể đưa vào chuồng để nuôi nhốt như các giống thuần. Do đó, thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư để mở rộng chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường và đem lại nguồn thu nhập cho gia đình”, ông Thào A Phổng cho biết.

Bên cạnh việc thay đổi phương thức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Mù Cang Chải cũng tích cực phát huy thế mạnh về du lịch. Tiêu biểu như xây dựng một số sự kiện, sản phẩm du lịch, phát huy giá trị thắng cảnh của ruộng bậc thang và bản sắc văn hóa dân tộc, trở thành thương hiệu đặc trưng, hấp dẫn đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đổ về Mù Cang Chải mỗi năm. Huyện cũng chú trọng tổ chức hướng dẫn, tạo môi trường và cơ chế khuyến khích bà con dân tộc thiểu số làm du lịch, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Trước đây, đồng bào Mông có suy nghĩ bằng lòng với cuộc sống hiện tại, không muốn thay đổi những thói quen, tập tục cũ. Qua tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, người dân đã dần chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa; trồng cây có năng suất cao, chăn nuôi với quy mô lớn, từ đó tạo bước chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, bảo đảm an ninh lương thực cho người dân.

Còn đối với du lịch, trước mắt, trong thời điểm ít khách nước ngoài do ảnh hưởng của dịch bệnh, chính quyền địa phương vận động mọi người sửa sang lại nhà cửa, chuẩn bị tốt hơn để phục vụ khách trong nước. Ngoài ra, giai đoạn này cũng là "quãng nghỉ" cần thiết để bà con tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bổ sung kiến thức về làm du lịch. Một số doanh nghiệp tổ chức các lớp hướng dẫn người dân về quy trình phòng, chống dịch Covid-19, dạy tiếng Anh, trau dồi kiến thức, kỹ năng để phục vụ du khách và tiếp thị sản phẩm tốt hơn trên mạng xã hội".

NGUYỄN HUYỀN