Mới đây, đến với xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn, chúng tôi thật bất ngờ khi giữa núi rừng mênh mông có một ngôi trường khang trang, đó là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH và THCS) Sùng Đô. Trên sân trường bê tông sạch sẽ, học sinh các khối nô nức chơi đùa. Em Hờ Thị Dê, học sinh lớp 5B, phấn khởi cho biết: "Trước đây chúng em phải học ở điểm trường lẻ, sân chơi nhỏ và rất thiếu thốn các trang bị, đồ chơi giải trí, như: Bóng đá, cầu lông, sách, truyện... Được chuyển về trường mới, chúng em có điều kiện vui chơi và học tập hơn nhiều".
    |
 |
Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Sùng Đô biểu diễn chương trình đồng diễn thể dục. |
Trường TH và THCS Sùng Đô là trường liên cấp 1-2, một trong những công trình của Đề án. Theo đó, các phòng học của nhà trường được đầu tư khang trang, rộng rãi theo tiêu chuẩn; phòng ở cho học sinh bán trú được kiên cố hóa, có công trình phụ khép kín; sân trường được bê tông hóa sạch sẽ; các hạng mục phụ trợ được tăng cường tạo thuận tiện cho học sinh học tập, ăn ở, sinh hoạt bán trú tại trường... Năm học 2022-2023, toàn trường có 658 học sinh, 100% là học sinh dân tộc Mông. Khối tiểu học có 15 lớp, khối THCS có 8 lớp, trong đó có 192 học sinh ở hai thôn Làng Mảnh, Giàng Pằng, nhà ở cách trường 15-27km, được ở bán trú, được cấp gạo và tiền trợ cấp hằng tháng. Thầy Bùi Quốc Đông, Hiệu trưởng Trường TH và THCS Sùng Đô cho biết: "Khi chưa thực hiện Đề án, các thầy cô giáo rất vất vả khi phải trèo đèo, lội suối, vượt rừng để bám các điểm trường lẻ. Hơn thế nữa, trang bị vật chất đã khó khăn lại phải dàn trải nhiều nơi nên càng thiếu thốn. Các em học sinh cũng không có điều kiện được vui chơi, phát triển thể chất và trí tuệ... Từ khi có trường mới, các em được ăn, học bán trú tại trường. Trong điều kiện sống xa gia đình, các em đã tự lập hơn, tự chăm sóc bản thân. Ngoài giờ học trên lớp, về ký túc xá, các em tham gia những hoạt động rèn kỹ năng sống, chơi các môn thể thao, xem ti vi, đan thêu, trồng rau xanh, chăn nuôi gà... Đồng thời, các thầy cô cũng giảm bớt vất vả, nguy hiểm khi không còn phải băng rừng, vượt đồi núi để đến các điểm trường dạy học".
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, huyện Văn Chấn có 12/24 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn với trên 65% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Để sẻ chia những khó khăn với ngành giáo dục, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án với mục tiêu quy hoạch lại trường, lớp trong toàn huyện Văn Chấn theo hướng tinh gọn, giảm các trường và điểm trường lớp nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, giúp học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính có điều kiện tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý và nâng chất lượng giáo dục toàn diện. Theo đó, Huyện ủy, UBND huyện Văn Chấn đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp trên địa bàn huyện; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình phục vụ thực hiện Đề án, phục vụ hoạt động dạy và học; đồng thời có các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, nhất là đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có học sinh thuộc diện trường lẻ chuyển về trường chính...
Đến năm 2020, huyện cơ bản hoàn thành thực hiện sắp xếp mạng lưới trường, lớp, học sinh; đã giảm 11 trường, sáp nhập 79 điểm trường lẻ (28 điểm mầm non, 50 điểm tiểu học, 1 điểm THCS); đưa 205 lớp, 4.717 học sinh từ điểm lẻ về điểm chính; tăng 3 trường phổ thông dân tộc bán trú và 3 trường có học sinh bán trú, số học sinh bán trú tăng 982 học sinh. Đồng chí Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: "Việc triển khai Đề án đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đồng thời bố trí sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức giáo viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Số học sinh được học bán trú và hưởng chính sách tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em ở khu vực khó khăn đến trường".
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, quá trình thực hiện Đề án cũng nảy sinh một số khó khăn, như: Các thầy cô lại gánh thêm trách nhiệm mới là trông nom, chăm sóc, dạy dỗ các em học sinh ngoài giờ trên lớp, trong khi đó, chưa có chính sách hỗ trợ, phụ cấp trách nhiệm. Hệ thống kho bảo quản lương thực, thực phẩm và các trang thiết bị hỗ trợ công tác bảo đảm cho các học sinh trong sinh hoạt rất thiếu thốn. Bên cạnh đó, qua thực tế ở các trường vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các thầy cô đều ở xa gia đình, có gia đình cách trường hàng trăm ki-lô-mét. Vì điều kiện khó khăn chung nên các thầy cô phải sống trong những căn nhà tạm, thiếu thốn mọi bề, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến tinh thần gắn bó của giáo viên nơi đây.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, các ngành, các cấp chính quyền cần tiếp tục nghiên cứu, ban hành những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong đời sống, sinh hoạt để xây dựng điểm tựa tinh thần vững chắc; đồng thời động viên thầy cô giáo đang công tác tại các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Chấn nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung bám trường, bám lớp trong sự nghiệp "trồng người", đưa ánh sáng tri thức giúp vùng đồng bào dân tộc nơi núi rừng khởi sắc.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ