Từ xa xưa khi đời sống còn khó khăn, người Dao Tiền chủ yếu dùng củ sắn để làm rượu hoẵng. Những năm gần đây, khi cuộc sống khấm khá hơn, gạo nếp nương loại ngon, hạt tròn được chọn để làm rượu này. Để làm rượu hoẵng, gạo nếp được đãi sạch, ngâm qua đêm rồi để ráo nước và đồ lên. Khi xôi chín thì lót lá chuối trên nong để xôi nguội, sau đó rắc men lên trên. Xôi sau khi trộn đều với men rượu được ủ vào chum, đậy kín nắp. Thời gian ủ rượu vào mùa hè thường là 3 ngày, 3 đêm, về mùa đông có thể từ 5 đến 6 ngày. Rượu ủ đến độ thì tiến hành vắt lấy nước cốt và tiếp tục lọc sạch thêm một lần nữa, sau đó cho vào nồi đun sôi. Rượu sau khi để nguội có thể sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh.
 |
Người Dao Tiền ở thị trấn Nông trường Mộc Châu thường dùng rượu hoẵng trong các dịp lễ, Tết. |
Bà Triệu Thị Son ở tiểu khu Tà Loọng, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu cho biết: “Độ nóng-nguội của xôi để lên men, tỷ lệ men, thời gian ủ... là những yếu tố quyết định đến chất lượng của rượu. Người có kinh nghiệm sẽ biết khi trộn men cần tỷ lệ bao nhiêu là đủ để rượu thơm, có vị ngọt, không bị chua hoặc quá cay”. Rượu hoẵng ngon có màu trắng sữa, mùi thơm dịu của gạo nếp nương, vị ngọt thanh dễ uống, nồng độ rượu thấp. Cũng vì rượu nhẹ, ngọt thơm nên khi uống rượu hoẵng, đồng bào thường sử dụng bát.
Người Dao Tiền quan niệm, trong các dịp lễ, Tết hoặc khi gia đình có việc lớn như: Lập tịnh, cưới xin, thờ cúng..., nam giới sẽ uống rượu siêu (rượu nấu từ gạo tẻ hay còn gọi là rượu trắng), nữ giới uống rượu hoẵng để cùng chung vui. Ngày nay, rượu hoẵng không chỉ được đồng bào Dao Tiền sử dụng trong gia đình mà còn làm để biếu tặng người thân, bạn bè. Nhiều gia đình cũng đã bắt đầu làm rượu hoẵng để cung cấp cho các nhà hàng, bán theo đơn đặt hàng của du khách yêu thích loại rượu này.
Trong hành trình khám phá ẩm thực của miền Tây Bắc, sẽ thật tiếc nếu du khách không một lần thưởng thức rượu hoẵng của người Dao Tiền ở Mộc Châu. Đến các địa bàn người Dao như: Tiểu khu Tà Loọng; bản Phiêng Đón, Co Phay (xã Tân Lập); bản Km5, Piềng Sàng, Suối Khem (xã Phiêng Luông); bản Km16 (xã Hua Păng)..., trong những câu chuyện với người dân về cuộc sống, phong tục của đồng bào trên mảnh đất cao nguyên kỳ vĩ, chắc chắn gia đình nào cũng sẽ mời du khách thưởng thức hương thơm, vị ngọt của rượu hoẵng...
Bài và ảnh: HUYỀN TRĂNG