Những tác động mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa ở Pleiku trong những năm qua cũng không làm mai một tiếng cồng, tiếng chiêng, lễ hội văn hóa, tập quán đẹp của làng Pleiku Roh. Nghệ nhân Siu Thưm, Đội trưởng Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh, ngoài thường xuyên duy trì đội luyện tập còn mở các lớp truyền dạy miễn phí đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ.

Lớp học của anh được tổ chức vào buổi tối cuối tuần, thu hút đông đảo các em nhỏ tham gia. Nhờ đó, các thế hệ người dân làng Pleiku Roh đều biết đánh cồng chiêng, có tình yêu với văn hóa cồng chiêng. Hiện làng Pleiku Roh duy trì thường xuyên hai đội cồng chiêng, trong đó có đội cồng chiêng nhí tuổi từ 6 đến 16.


Đội cồng chiêng làng Pleiku Roh tham gia Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ III, năm 2019. 

Đây là đội cồng chiêng thường xuyên được đại diện cho TP Pleiku nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung tham gia các cuộc thi, liên hoan văn hóa, lễ hội trong và ngoài tỉnh. Mặc dù tuổi đời còn nhỏ nhưng các em đã "thổi hồn" vào những bản nhạc cồng chiêng như: Mừng lúa mới, Mừng chiến thắng, Cúng nhà rông, Đâm trâu... khiến người dân, du khách rất thích thú mỗi khi xem đội biểu diễn.

Nghệ nhân Siu Thưm cho biết: “Chịu ảnh hưởng của nhịp sống đô thị, có thời điểm các bạn trẻ trong làng chỉ thích những dòng nhạc thị trường, hiện đại, không mặn mà với nhạc cồng chiêng nên tôi và người già rất lo lắng. Không để cho văn hóa của dân tộc mình bị mai một, tôi quyết định mở các lớp dạy đánh cồng chiêng và vận động thành lập đội cồng chiêng nhí. Ban đầu, các bạn nhỏ cũng chưa thực sự chú tâm, nhưng khi hiểu về nhạc cồng chiêng và được tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan văn hóa, lễ hội thì các bạn dần yêu thích, hăng say luyện tập”.

Chị Puih H’Khánh, 22 tuổi vào đội cồng chiêng của làng Pleiku Roh từ nhỏ, tâm sự: “Lớp học đánh cồng chiêng của nghệ nhân Siu Thưm rất hữu ích, giúp chúng tôi hiểu và yêu văn hóa của dân tộc mình hơn. Bây giờ thế hệ trẻ trong làng có nhiều mối quan tâm hơn, cuộc sống cũng bận rộn hơn nên càng phải có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng”.             

Theo nghệ nhân Siu Thưm, Pleiku Roh là làng ở trong phố nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa rất đặc trưng của người Gia Rai từ kiến trúc đến ẩm thực, các lễ hội, tín ngưỡng. Đặc biệt, làng đang lưu giữ hai bộ chiêng quý, được mọi người xem như bảo vật.

Dù trải qua nhiều thăng trầm, nhọc nhằn mưu sinh nhưng người dân vẫn không để mất bảo vật của làng. Pleiku Roh còn được biết đến với một giọt nước rất đẹp (giống như giếng làng của người Kinh). Giọt nước mang tên Ia Luh. Người dân trong làng không chỉ đến đây tắm giặt, lấy nước về sinh hoạt mà còn đến để trò chuyện, giao lưu với nhau sau một ngày làm việc vất vả.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN