Ông Pẩu gãi đầu nói:
- Nhưng sao bà không báo cho tôi từ sớm, vả lại ở bản mình cũng có nhiều người vừa biết tiếng Kinh, vừa nói được tiếng của bà con mà.
- À, mấy hôm trước ông trưởng bản có đến bảo tôi, nhưng tại ông xuống dưới xuôi có công việc nên tôi không gọi điện báo. Ở bản mình cũng có người biết nói tiếng Kinh, nhưng họ đi làm ăn xa hết rồi. Bọn trẻ con thì bận học, vả lại chúng cũng không dịch được như ông đâu.
Nghe vợ nói thế, ông Pẩu tất bật chạy ra trạm xá làm phiên dịch. Ông đã làm phiên dịch cho bà con dân bản mỗi khi có cán bộ dưới xuôi lên gần hai chục năm nay rồi. Chẳng là ở bản, 100% người dân đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay vẫn có một số người cao tuổi không biết tiếng phổ thông hoặc cũng chỉ biết được dăm ba câu chào hỏi gọi là. Vậy nên, mỗi khi có cán bộ đến khám bệnh hay hội họp, ông Pẩu lại đứng ra với vai trò làm người phiên dịch.
 |
Ảnh minh họa: daidoanket.vn |
Hồi còn trẻ, ông Pẩu cũng không biết tiếng phổ thông, bởi thời ấy bản làng ông khá biệt lập, đường sá đi lại khó khăn, cách trở, bà con ít khi ra tiếp xúc với người ngoài. Vậy là, chỉ người trong bản giao tiếp với nhau, nhiều người lớn không biết chữ, trẻ em chỉ ở nhà nói tiếng dân tộc mình và không nói được tiếng phổ thông.
Sau khi ông Pẩu tham gia quân ngũ, ông được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người và từ đó ông học được tiếng Kinh, rồi nói tiếng trôi chảy như người Kinh. Sau khi hết thời gian quân ngũ, trở về bản, ông không chỉ phát triển kinh tế gia đình tốt mà còn làm phiên dịch cho bà con trong bản mỗi khi có cán bộ người Kinh đến... Hiện nay, trong bản đã có nhiều người biết nói tiếng Kinh nên công việc làm phiên dịch của ông Pẩu cũng đỡ vất vả hơn trước. Ông vẫn hay nói, mong sao một ngày nào đó sẽ được “thất nghiệp” hoàn toàn, bởi khi đó cả bản đều đã nói thành thạo tiếng phổ thông...
CÔNG THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.