Bà Siu H’Dung ở làng Blo Hưng, xã Ia Blang, huyện Chư Sê không ngờ rằng khoảnh đất trống sau nhà bỏ hoang, cỏ mọc um tùm bấy lâu nay lại cho gia đình bà nhiều lợi ích như vậy. Sự thay đổi đó bắt đầu từ đầu năm 2023, khi Ủy ban MTTQ xã Ia Blang tuyên truyền, vận động và hỗ trợ gia đình bà lưới, hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng mô hình vườn rau sạch.

“Vườn rau sạch không chỉ giúp gia đình tôi có rau ăn hằng ngày mà còn có một khoản thu nhập đáng kể từ tiền bán rau. Cảnh quan môi trường cũng đẹp hơn, sạch hơn trước rất nhiều. Những chương trình, mô hình của mặt trận các cấp đã giúp đồng bào DTTS rất nhiều trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống”, bà Siu H’Dung phấn khởi nói.

leftcenterrightdel
Công ty 75 (Binh đoàn 15) hưởng ứng Cuộc vận động triển khai mô hình “Vườn rau gắn kết”, giúp nhiều hộ dân cải thiện cuộc sống. 

Xóa vườn tạp xây dựng vườn rau sạch, trồng cây ăn quả, cây có hiệu quả kinh tế cao là một trong nhiều mô hình, cách làm được Mặt trận các cấp triển khai hưởng ứng Cuộc vận động. Ông Hoàng Văn Soạn, người uy tín tiêu biểu của làng Pờ Nang, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang, cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động, từ năm 2019 đến nay, Ban công tác Mặt trận và Ban nhân dân làng Pờ Nang đã phối hợp tổ chức 36 buổi họp để tuyên truyền nhân dân thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất; vận động nhân dân cải tạo hơn 20ha vườn tạp để trồng cây cà phê và 86 hộ gia đình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, làng có 124 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 40,78% dân số, đến nay chỉ còn 79 hộ nghèo, chiếm 21,64% (giảm 45 hộ), thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 29 triệu đồng/năm.

Ông Đinh Huốc, Trưởng ban công tác Mặt trận làng Gliek, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ tâm đắc cho rằng, Cuộc vận động phát huy tốt hiệu quả vì huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc với nhiều cách làm hay như: Ban hành sổ tay tuyên truyền “10 nội dung làm thay đổi nếp nghĩ, 10 nội dung làm thay đổi cách làm” bằng 3 thứ tiếng (Việt, Ba Na, Gia Rai) đến tận các khu dân cư, người dân với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo; huy động được nhiều nguồn lực, xây dựng được nhiều mô hình thiết thực, giúp đồng bào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

“Thực hiện Cuộc vận động, Ban công tác Mặt trận làng Gliek đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi đất ruộng một vụ trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây mía, cây cỏ voi kết hợp chăn nuôi bò đem lại kinh tế cao. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân mua sắm phương tiện chuyên chở hàng hóa, kinh doanh mua bán dịch vụ nhỏ lẻ, nhờ đó, đời sống của nhân dân trong làng được nâng lên rõ rệt”, ông Đinh Huốc thông tin.

Cuộc vận động được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động, triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay và đã tác động mạnh mẽ đến nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”, Cuộc vận động được lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án giảm nghèo của Trung ương và địa phương.

Một bộ phận người dân không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước; nhiều hộ gia đình đã biết tổ chức lao động, sản xuất hợp lý, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; biết chi tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư phát triển kinh tế; từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện Cuộc vận động đã hình thành và nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Chỉ tính riêng giai đoạn 2019-2024, Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên đã xây dựng 713 mô hình với 80.337 hộ tham gia thực hiện; nhân rộng 324 mô hình với 14.238 hộ tham gia thực hiện. Góp phần để tỉnh Gia Lai đạt nhiều thành tựu trong xây dựng nông thôn mới với 3 đơn vị cấp huyện, 96 xã, 158 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, 19 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; hộ nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh chỉ còn 8,11% hộ nghèo.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.