Từ những ngọn núi cheo leo về bản mới đi tìm con chữ, cuộc sống của các em chỉ gắn liền với điểm trường, với chiếc lán dựng tạm bợ … sự nhờ cậy, tin tưởng của chúng được gửi gắm cả vào thầy cô.

Không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức trong từng trang sách, các thầy cô ở đây còn phải học thêm cách làm cha, làm mẹ để xoa dịu những mảnh đời cơ cực. Tình thương vô bờ bến của thầy cô chẳng khác nào cha mẹ, ngôi trường hạnh phúc bỗng chốc cũng trở thành ngôi nhà ấm áp đầy ắp tình yêu thương.

Yêu thương -  sức mạnh to lớn vượt qua gian khó

Kể từ ngày điều chuyển công tác về điểm trường Suối Thín, đều đặn mỗi tuần 1 buổi, cô Nguyễn Bình Phương (giáo viên lớp 1) và cô Nguyễn Thị Quang (giáo viên lớp 2) nấu cơm trưa cho 39 em học sinh.

Thay vì phải ăn cơm trắng chan nước sôi, bữa cơm của các em học sinh sẽ có đầy đủ chất dinh dưỡng hơn, thực đơn cũng được thay đổi theo tuần có thịt, có cá… Nhờ có bữa ăn no bụng của các cô, học sinh đã đi học đầy đủ và hiếm khi nghỉ, bất kể trời nắng hay trời mưa.

leftcenterrightdel

Cô Đinh Thị May chia sẻ về những khó khăn khi phải dạy 3 nhóm học sinh trong cùng lớp 1. 

Cô Phương cho biết: "Đa số các con còn rất nhỏ mới chỉ học lớp 1, lớp 2 lại xa bố mẹ sống xung quanh các lán cạnh điểm trường. Cuộc sống xa bố mẹ đã quá vất vả nên bữa cơm dù không quá sang trọng nhưng cả cô cả trò đều thấy ấm áp. Chúng tôi muốn bù đắp tình cảm mà các con đang thiếu thốn, không những ấm bụng mà còn ấm lòng, để các con yên tâm tới lớp đi tìm con chữ".

Với cô Quang, việc nấu cơm cho các con cũng mang lại cho cô rất nhiều niềm vui và cả những đổi thay rõ rệt từ học sinh. Cô tâm sự: “Các con chăm chỉ đi học, bữa trưa cũng không phải về nhà lọ mọ phồng mồm thổi lửa nấu cơm, làm khói tỏa ra mờ cả mặt. Các con cũng tự giác giúp 2 cô khi cơm đã được chia ra khay, các cô sẽ rèn cho các con kỹ năng sống như tự đi bê cơm, tự biết dọn rửa chia cơm cho các em. Mỗi bữa ăn được nấu ra sẽ phần nào đó xoa dịu những khó khăn của các em, để biến ước mơ bữa cơm có thịt thành hiện thực”.

Chia sẻ về nguồn kinh phí thực hiện bữa cơm này, cô Bình Phương cho hay, điểm trường không thuộc diện bán trú nên việc nấu ăn là dựa trên sự tự nguyện của hai cô giáo. "Về phần cơ sở vật chất đều do chúng tôi tự lo liệu, đồ ăn được nấu cho các con đều được đảm bảo tươi ngon. Thông qua Zalo, Facebook, chúng tôi kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người, để hỗ trợ các em học sinh nghèo được đến lớp, đa số nguồn kinh phí đều đến từ đây", cô Bình Phương cho biết.

leftcenterrightdel

Những học trò nhỏ coi trường học là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em. 

Gieo yêu thương giữa núi đồi xanh thẳm

Sự kiên nhẫn và tình yêu thương trò vô bờ bến đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn giúp các em tự tin bám chặt con chữ, để thầy cô có thêm động lực trên hành trình các em trưởng thành, khôn lớn.

Là giáo viên trẻ dạy lớp 1 (điểm trường Pha Luông) nhưng lớp 1 của cô Đinh Thị May đặc biệt hơn nhiều lớp học khác. Cả lớp có 19 học sinh thì được chia làm 3 nhóm: Nhóm đầu tiên là 9 học sinh đi học theo đúng độ tuổi, nhóm thứ 2 là 7 học sinh không học mầm non lên thẳng lớp 1 và nhóm cuối cùng là 3 học sinh quá tuổi.

Cô May cho biết, ngày nhận lớp đón học sinh cả cô và trò đều rất vất vả, nhất là nhóm không học mầm non nên không biết tiếng phổ thông. Trong quá trình dạy, nhiều khi cô trò bất đồng ngôn ngữ, phải nhờ đến các em học sinh thạo cả tiếng Mông và tiếng Việt phiên dịch.

Hay như trường hợp của Hờ A Hồ (ở bản Pha Luông) - học sinh bé nhất lớp và đi học cũng muộn hơn các bạn 2 tháng. Bước sang đến kỳ 2, A Hồ chưa thể nhớ được âm và vần nên không theo kịp các bạn. Cô May cũng phải đánh vật để cho em nhớ được hết bảng chữ cái đã là điều may mắn.

Để gỡ khó vấn đề này, cô May chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy, những học sinh đặc biệt sẽ được cô kèm nhiều hơn, thậm chí là tận dụng thời gian ra chơi để bổ trợ thêm kiến thức cho các con”.

Tương tự, lớp 4 của cô Nguyễn Thị Vượng cũng có 4 độ tuổi đi học chung một lớp. Các con đến lớp muộn do điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa và phải nghỉ học ở nhà đi làm nương, đi chăn trâu.

Đã có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, việc đầu tiên cô Vượng làm sau khi nhận lớp là tìm hiểu điều kiện của các em học sinh trong lớp. Cô Vượng cho biết, bản thân cô giáo sẽ đóng vai trò như một người mẹ, người chị trong gia đình tâm sự, chia sẻ; trên lớp sẽ quan tâm các em nhiều hơn, hướng dẫn để các con hòa nhập với lớp, giúp các con có thêm kiến thức thoát ra khỏi cuộc sống khó khăn.

“Các con đều cảm thấy đến trường rất phấn khởi. Bước sang kỳ 2 của năm học, số lượng học sinh nghỉ học là rất hiếm”, cô Vượng nhấn mạnh.

Có những học sinh đã 14-15 tuổi nhưng vẫn học lớp 4, độ tuổi này theo người Mông gọi là độ tuổi dựng vợ gả chồng, đang nhen nhóm bắt đầu tình yêu, cô Vượng cũng phải rất khéo léo để quan tâm, sát sao các em.

Cô Vượng cho biết thêm, ở lứa tuổi này của người Mông, các con cũng đã có thể xây dựng gia đình. Trong mỗi giờ dạy ngoại khóa, cô luôn nhắc nhở các con lưu ý vấn đề bạn bè, tuyệt đối không tiếp cận với các anh ở bản khác mà mình không quen biết.

Theo cô Vũ Mai Hạnh (giáo viên lớp 5 của điểm trường Pha Luông), trong vài năm trở lại đây, việc học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng đã không còn xuất hiện. Các con đến trường rất đầy đủ và đều có ước mơ cho riêng mình, dù cho ước mơ đó sẽ cần thêm nhiều yếu tố như: Gia đình, xã hội cùng cộng đồng… tạo cho các con một điều kiện tốt nhất đến trường.

Dù khó khăn, dù vất vả nhưng những ước mơ của các em nơi đây cũng thật lớn lao, nào là bác sĩ, là cô giáo, công an hay kỹ sư xây dựng… Sâu thẳm đáy lòng của người giáo viên cắm bản hơn 30 năm qua, cô Mai Hạnh cảm thấy hạnh phúc vì học trò nghèo của mình đã dám ước mơ, dám nghĩ lớn.

“Tuy nhiên, để đạt được những ước mơ đó lại yêu cầu chính cá nhân các con nỗ lực có sự đồng hành của các thầy cô. Ở mỗi cấp học, nếu thầy cô là một người yêu trẻ, có trách nhiệm, hết lòng vì học sinh sẽ giúp các ước mơ đó thành hiện thực”, cô Mai Hạnh bày tỏ.

Có thể thấy, sự khó khăn thiếu thốn của học sinh chính là nguồn năng lượng to lớn giúp các cô giáo ngày ngày cắm bản, gieo chữ vùng cao. Thầy cô cho các em con chữ, các em lại gửi đến thầy cô một nghị lực phi thường vượt qua khó khăn cả về con đường đến trường, về cuộc sống nhọc nhằn trên hành trình bám chữ dưới chân núi Pha Luông hùng vĩ.

Hy vọng rằng, sự nỗ lực bám chữ của các em học sinh sẽ đẩy lùi giặc dốt vẫn còn hiện hữu đâu đó dưới chân núi Pha Luông, để ngọn lửa tri thức thắp sáng thay đổi diện mạo cho bản làng vùng cao biên giới.

leftcenterrightdel

Thầy cô hy vọng về một ngày mai tươi sáng cho các em học sinh bám chữ dưới chân núi Pha Luông. 

Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu cho biết: “Bản Pha Luông và Suối Thín dù điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, nằm sát đường biên giới nhưng không thuộc vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3). Do đó, học sinh sẽ không được hưởng chế độ, chính sách và điều kiện nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng không được nhiều. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện để có sự đầu tư cho phù hợp, có hiệu quả cho các em học sinh được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể”. 

 Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.