Sớm nhận ra những khó khăn, sự bấp bênh của cuộc sống khi cái đói, cái nghèo bủa vây quanh năm nhưng mãi đến năm 2013, khi biết tin Công ty 732 (Binh đoàn 15) có chủ trương ưu tiên tuyển dụng công nhân người người dân tộc thiểu số thì Y HLuy mới nghiêm túc suy nghĩ về việc xin vào làm công nhân khai thác mủ để có cuộc sống ổn định hơn.
Mong mỏi cải thiện kinh tế là thế, nhưng thời điểm khởi đầu với chị vô cùng khó khăn khi phải đối mặt với rất nhiều trở ngại của một người lần đầu cầm dao cạo mủ. Bởi đã quen với rẫy vườn tự phát, chưa có nhận thức sâu sắc về quy trình kỹ thuật dẫn đến tay nghề còn yếu. Chưa kể công việc của một công nhân khai thác mủ cao su phải dậy sớm, vất vả “một nắng hai sương”. Tất cả giống như một ngọn núi cao mà cô gái người H’Lăng mới chỉ đứng ở chân núi nhìn lên với nhiều lo sợ.
 |
Chị Y HLuy chăm chỉ luyện tập tay nghề mỗi khi rảnh rỗi để có thu nhập cao, thoát nghèo bền vững. |
Được cán bộ Công ty 732 tận tình giúp đỡ với mong muốn HLuy và các công nhân người dân tộc thiểu số khác thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu. Nhận thấy năng suất vườn cây do HLuy đảm nhiệm vẫn còn thấp, Ban chỉ huy Đội 2 (Công ty 732) tích cực cho chị tham gia các lớp học đào tạo tay nghề, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”, minh họa trên từng đường cạo để chị dễ dàng tiếp thu bài học qua kinh nghiệm thực tế. Các anh chị em trong đội sản xuất còn nhiệt tình hướng dẫn HLuy cách chăm sóc và kiểm tra vườn cây ra sao, kỹ thuật vệ sinh mặt cạo như thế nào cho sạch đẹp, thông thoáng.
Công ty 732 với tình đoàn kết, đùm bọc keo sơn của đội ngũ cán bộ, công nhân trở thành “môi trường, mạch sống” để nữ công nhân trẻ có thêm nguồn năng lượng tích cực mỗi khi đặt dao cạo vào từng thân cây cao su trong vườn. Trời không phụ lòng người, càng ngày chị càng xóa bỏ được mặc cảm, trình độ tay nghề khá lên sau mỗi ngày lao động. Không còn lúng túng khi phát hiện ra bệnh trên vườn cây mà chị đã linh hoạt, chủ động báo đơn vị để có biện pháp phòng trị kịp thời, đảm bảo việc khai thác mủ đúng tiến độ và cải thiện được năng suất chất lượng bước đầu.
Theo chị Y HLuy, điều quan trọng nhất với một công nhân mới vào nghề là phải luôn biết lắng nghe và chủ động quan sát học hỏi; phải vượt qua giới hạn của chính mình và phải biết chắt chiu thực hành tiết kiệm. Khi nhận thấy vật tư của năm trước có thể sử dụng lại cho những năm sau và nếu chú tâm bảo quản, tận thu vật tư trong lô cạo, tránh hư hại, thất thoát thì đơn vị sẽ tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ cho việc cấp phát, trang bị bổ sung. Chị Y HLuy đã đề xuất và thực hiện giải pháp “Tiết kiệm vật tư trang bị ngay từ đầu mùa cạo”. Đây thật là một trong những giải pháp đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Công ty, được lãnh đạo các cấp đánh giá cao về tinh thần lao động sáng tạo của chị, nhất là trong giai đoạn mà ngành cao su nói chung và Công ty 732 nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.
Đại tá Phan Văn Phú, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 732 cho biết, bằng quyết tâm, tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo, chị Y HLuy không chỉ thoát nghèo bền vững mà từng bước có tích lũy, xây được nhà mới, mua sắm nhiều phương tiện như xe máy, ti vi và nuôi con ăn học. Đặc biệt, chị đã truyền cảm hứng và vận động nhiều người dân tộc thiểu số trên địa bàn trong độ tuổi lao động vào làm công nhân cho Công ty 732, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ THÚY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.