Năm 2015, Đại úy QNCN Tô Hiến Quyên, cán bộ Đồn Biên phòng Si Pa Phìn được tăng cường về xã Phìn Hồ (Nậm Pồ, Điện Biên) đảm nhiệm cương vị Phó bí thư Đảng ủy xã. Phìn Hồ lúc ấy là xã có gần 70% dân số là đồng bào Mông. Vốn là người dưới xuôi, không biết tiếng đồng bào nên mỗi lần đi tuyên truyền pháp luật hay lên nương hướng dẫn bà con lao động sản xuất, anh Quyên đều phải nhờ người phiên dịch, do đó hiệu quả công việc không cao, đồng thời không nắm được tâm tư, tình cảm của dân bản. Thực hiện chủ trương của BĐBP tỉnh Điện Biên trong việc học tập tiếng DTTS để thực hiện “3 bám, 4 cùng” với dân bản, anh đã đăng ký tham gia khóa học tiếng Mông do BĐBP tỉnh Điện Biên tổ chức. Đại úy QNCN Tô Hiến Quyên tâm sự: “Mặc dù tôi đã có chứng chỉ tiếng Mông nhưng để nâng cao kỹ năng nghe nói, làm giàu vốn từ, tôi vẫn phải tích cực học trong dân bản. Mỗi lần đến nhà các già làng, trưởng bản hay lên nương, trong bữa cơm... tôi đều chú ý nghe và học thêm tiếng của đồng bào”. Khi đã có vốn tiếng Mông kha khá, anh Quyên tự tin hơn khi giao tiếp với dân bản. Nhờ gần gũi và được dân bản quý mến nên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào nơi biên giới cũng được Đại úy QNCN Tô Hiến Quyên thực hiện dễ dàng, hiệu quả hơn.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Mươn (BĐBP tỉnh Điện Biên) cùng đoàn công tác đến thăm người dân trên địa bàn huyện Mường Chà. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Là người dân tộc Mông, hiểu rõ phong tục tập quán của người dân địa phương, Thượng úy Thào A Sình, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Si Pa Phìn được Đảng ủy, chỉ huy đồn giao nhiệm vụ soạn giáo án, lên lớp dạy tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Thượng úy Thào A Sình cho biết: “Để giúp cán bộ, chiến sĩ dễ hiểu, có thể giao tiếp thông thường với bà con bằng tiếng Mông, tôi chú trọng các nội dung về nguồn gốc tiếng Mông, cách phát âm, cách viết và phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông. Trong quá trình học kết hợp đến thôn bản để chuyện trò với người dân...”.

BĐBP tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài hơn 450km, trên địa bàn 29 xã biên giới, gồm 16 dân tộc anh em cùng sinh sống. Những năm gần đây, xác định vai trò quan trọng của việc học tiếng đồng bào, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các huyện biên giới đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc, tiếng các nước láng giềng cho cán bộ, chiến sĩ. Nội dung học phù hợp với từng địa bàn cụ thể: Các đồn tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc học tiếng Trung, tiếng Mông, tiếng Hà Nhì; các đồn tuyến biên giới Việt Nam-Lào học tiếng Lào, Thái và tiếng Mông. Theo Trung tá Nguyễn Đức Cảnh, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Điện Biên, qua quá trình đào tạo, nhìn chung, đội ngũ cán bộ đã cơ bản nắm được ngôn ngữ của một số dân tộc trên địa bàn quản lý và nước láng giềng. Thông qua bám nắm địa bàn, giao tiếp với dân bản bằng tiếng bản địa, cán bộ biên phòng đã góp phần vận động đồng bào chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe và không làm theo kẻ xấu.  

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhằm tạo môi trường thuận lợi, nâng cao trình độ ngoại ngữ và tiếng DTTS cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, tháng 1-2021, Đoàn Thanh niên BĐBP tỉnh Điện Biên đã phát động phong trào học tập ngoại ngữ và tiếng DTTS trong thanh niên giai đoạn 2021-2030. Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Đỗ Xuân Điềm, trợ lý vận động quần chúng BĐBP tỉnh cho biết: “Để cụ thể hóa phong trào, các chi đoàn trực thuộc đã thành lập 13 câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh và 11 CLB tiếng DTTS với 315 cán bộ, ĐVTN tham gia. Phương châm hoạt động của các CLB là “người biết dạy người chưa biết, lấy tự học là chính”. Các CLB là nòng cốt trong xây dựng môi trường học tập, sử dụng ngoại ngữ và tiếng DTTS phù hợp với từng đơn vị để cán bộ, ĐVTN có thể học tập mọi lúc, mọi nơi với những cách làm hay, sáng tạo, ví như: Ghi chú bằng ngoại ngữ, tiếng DTTS đối với hệ thống tranh ảnh, pa nô, áp phích, băng rôn, bảng, biển, mô hình học cụ; sử dụng ngoại ngữ hoặc song ngữ trong giao tiếp hằng ngày hoặc trong khung giờ nhất định...”.

Thông qua việc phát động phong trào học tập ngoại ngữ, tiếng DTTS trong cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Điện Biên đã và đang góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, ĐVTN chủ động tự học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ và tiếng DTTS, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN