Để triển khai hoàn thành tốt các chỉ tiêu của Dự án 8 thuộc Chương trình 1719 đề ra, thời gian qua các cấp hội phụ nữ của tỉnh An Giang đã vận động, hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thông qua các hình thức tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ chị em tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, An Giang đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh vừa đào tạo nghề, vừa giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nữ nông thôn vùng đồng bào DTTS như: Tổ phụ nữ làm bánh Kà tum của phụ nữ Khmer ở xã Ô Lâm (huyện Tri Tôn); Tổ phụ nữ may thêu khăn Maspok của phụ nữ Chăm ở xã Châu Phong (thị xã Tân Châu); Tổ phụ nữ may dân tộc Chăm, Tổ phụ nữ làm bánh dân tộc Chăm ở thị trấn Đa Phước (huyện An Phú)... nhờ đó đã giúp hàng trăm hội viên phụ nữ có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống gia đình.

Nghệ nhân dân gian Néang Phương (bên phải) hướng dẫn phụ nữ dân tộc Khmer ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn làm bánh Kà tum. 

Tại xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), đồng bào dân tộc Chăm sinh sống chủ yếu ở ấp Phũm Soài và ấp Châu Giang. Tại 2 ấp này, đồng bào Chăm còn gìn giữ rất nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Từ năm 2022 đến nay, để giúp chị em vươn lên trong cuộc sống, Hội phụ nữ xã Châu Phong đã mở 4 lớp dạy móc chỉ len thủ công. Các thành viên sau học nghề đã thành lập những nhóm, tổ để giúp nhau may, thêu và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tại ấp Châu Giang, hội viên phụ nữ cùng nhau thành lập Tổ phụ nữ may thêu khăn Maspok. Đây là sản phẩm đặc trưng của phụ nữ Chăm khi tham dự các nghi lễ quan trọng. Mỗi chiếc khăn Maspok có giá bán khoảng 950.000 đồng, sau khi trừ chi phí, Tổ phụ nữ may thêu khăn Maspok thu về 250.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với các hội viên trong tổ. Chị Ha Ly Mah, hội viên Tổ phụ nữ may thêu khăn Maspok ở ấp Châu Giang cho biết: “Nhờ có Tổ phụ nữ may thêu khăn Maspok tạo việc làm nên đã giúp nhiều hội viên có thu nhập tốt. Thời gian tới chúng tôi sẽ mở thêm các lớp dạy may, thêu để giúp các chị em khác có công việc, ổn định cuộc sống”.

Ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên, nghề dệt thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đã tạo việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ. Tại xã Văn Giáo (thị xã Tịnh Biên), sự ra đời của Hợp tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo đã tập hợp những người thợ lành nghề hướng dẫn, tạo việc làm cho lao động là phụ nữ dân tộc Khmer. Những sản phẩm thổ cẩm của hợp tác xã đạt yêu cầu thẩm mỹ, chất lượng tốt nên được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm mua. Qua đó giúp phụ nữ Khmer ở đây có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Để nâng cao vai trò của phụ nữ vùng DTTS, thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, vai trò, vị trí của phụ nữ trong phát triển kinh tế, nêu gương điển hình tiên tiến, nhân rộng những mô hình, cách làm hay của hội viên hội phụ nữ, từ đó tạo sức lan tỏa, làm động lực cho các hội viên khác noi theo. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Bích Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang cho biết: “Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến hết năm 2025, các cấp hội phụ nữ sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai những mô hình hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS. Chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS và nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho trưởng ấp, người có uy tín trong cộng đồng; triển khai lồng ghép tuyên truyền về giới trong các chương trình giáo dục, để từ đó phát huy vai trò của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh”.

Bài và ảnh: LAN ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.