Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, tháng 1-2020, bản Co Chai sáp nhập với Phiêng Sày, là bản có 100% dân tộc Thái thành bản Phiêng Trai. Sau hơn hai năm sáp nhập, bà con dân tộc Khơ Mú nơi đây vẫn luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, nghi lễ Xên cung (cúng bản) là một trong những nghi lễ đặc trưng, tiêu biểu trong văn hóa truyền thống của dân tộc Khơ Mú, thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng.
 |
Đồng bào Khơ Mú đan phên chuẩn bị lễ cúng bản. |
Lễ Xên cung được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 3 dương lịch khi bà con chuẩn bị gieo trồng cây trên nương. Lễ Xên cung được tổ chức nhằm cầu mong các thần linh, trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con người khỏe mạnh, cầu cho bản mường ấm no. Là người có uy tín của bản Phiêng Trai, ông Mè Văn Hùng cho chúng tôi biết: “Trước đây, Lễ Xên cung được tổ chức từ 2 đến 3 ngày, với rất nhiều thủ tục, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm. Sau nghi lễ, nhân dân trong bản tập trung tại nhà thầy mo bản uống rượu trong 2 ngày, 2 đêm, hoặc vào rừng săn bắt thú rừng. Giờ đây, nghi lễ đã được bà con giảm thiểu đi nhiều, chỉ còn tổ chức trong một ngày, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống vốn có”.
Việc chuẩn bị cho lễ cúng được diễn ra từ sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu ló rạng. Tại nơi diễn ra lễ chính, người dân dọn dẹp, dựng “giang tê” (cờ) bằng cây tre già, treo đồ trang trí bằng những vật dụng tượng trưng thể hiện ước muốn sinh sôi, nảy nở, mùa màng bội thu. Bên cạnh là lán thờ tượng trưng cho nhà sàn của đồng bào dân tộc Khơ Mú và các dụng cụ lao động sản xuất làm từ tre, gỗ. Thầy cúng bày các đồ lễ lên phên, gồm: Đầu, sườn, chân, tim, gan lợn; gà trống luộc chín; một con vịt sống; nến sáp ong; xôi, rượu trắng, bát gạo, bát thóc; vải trắng, vải thổ cẩm, quần áo của các thành viên trong mỗi gia đình được đựng trong chiếc túi dệt truyền thống của đồng bào... Trong khi cúng, thầy cúng sẽ lần lượt mời các vị thần canh giữ bản, linh hồn người có công khai sáng bản mường về dự và nhận các lễ vật của dân bản. Sau lễ Xên cung, đồng bào dân tộc Khơ Mú sẽ không cuốc đất, làm nương rẫy mà nghỉ ngơi, vui chơi trong một ngày.
Lễ Xên cung của dân tộc Khơ Mú không chỉ tăng thêm sự đoàn kết của cộng đồng, tỏ lòng biết ơn của con người đối với các vị thần, tổ tiên, mà còn thể hiện nét độc đáo trong văn hóa tâm linh của người Khơ Mú, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc ở Sơn La.
Bài và ảnh: THU THẢO