Mới đây, chúng tôi có dịp cùng cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cư M’gar tới tìm hiểu thực tế việc học trực tuyến của học sinh vùng DTTS xã Ea M’Droh. Tại Trường THCS Ngô Mây, thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Năm học này, toàn trường có 338 học sinh, trong đó, 309 em là người DTTS, với tổng số 12 lớp thuộc 4 khối. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên sau ngày khai giảng, nhà trường phải thực hiện dạy học trực tuyến và học trên truyền hình. Qua thống kê, trong tổng số 338 học sinh thì 6 em có máy tính, 201 em có điện thoại thông minh của bố mẹ, còn lại 131 em không có trang thiết bị để học trực tuyến. Vì vậy, nhà trường đã vận động, hướng dẫn các em cùng lớp ở gần nhà nhau học chung theo nhóm từ 2 đến 3 em; bố trí hai phòng học có ti vi tại trường cho các em học trên truyền hình với sĩ số mỗi lớp dưới 20 em. Ngoài ra, đối với các em ở xa, không thể học nhóm hoặc đến trường học trên truyền hình, giáo viên tổ chức giao bài tới từng học sinh...".

 Giáo viên giao bài cho em Triệu Nhân (thôn Hợp Thành, xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar), học sinh lớp 8A, Trường THCS Ngô Mây.

Cũng theo thầy Đinh Tiến Dũng, toàn trường có 56 học sinh thuộc diện hộ nghèo. Nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm tặng điện thoại thông minh cho 2 em, tặng sách giáo khoa cho 30 em. Đến ngày 27-9, xã Ea M’Droh trở thành "vùng xanh", học sinh Trường THCS Ngô Mây đã được đến trường học trực tiếp, toàn trường không còn trường hợp nào thiếu về đồ dùng, trang thiết bị học tập. Trường THCS Ngô Mây cũng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, như: Phun khử khuẩn, học sinh được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào lớp, duy trì sĩ số trong một lớp học dưới 20 em, bố trí một phòng để sẵn sàng cách ly trong trường hợp học sinh, giáo viên có các biểu hiện nghi nhiễm Covid-19, tổ chức cho học sinh chơi trong lớp, chỉ ra khỏi lớp khi đi vệ sinh cá nhân... 

Tương tự, tại Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, trong tổng số 503 học sinh, chỉ 123 em có trang thiết bị học trực tuyến, còn lại 380 em phải học bằng phương pháp giáo viên giao bài trực tiếp. Thầy Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Sau hơn 3 tuần tổ chức học trực tuyến và giao bài, chất lượng học chưa thực sự bảo đảm và còn nhiều khó khăn như internet yếu; chi phí 3G, 4G còn cao, vượt quá khả năng của nhiều gia đình. Việc tổ chức học thông qua hình thức giao bài cũng còn bất cập khi nhiều em chưa tự giác. Hiện nay, nhà trường đang tích cực chuẩn bị để đón học sinh đến trường học trực tiếp khi đủ điều kiện". Về việc hỗ trợ học sinh DTTS khó khăn, năm học này, toàn trường có 65 em thuộc diện hộ nghèo, nhà trường đã vận động tặng sách giáo khoa cho 50 em...

Theo đồng chí Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắc Lắc, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có gần  462.100 học sinh từ bậc học mầm non đến THPT, trong đó, học sinh DTTS chiếm 35,47%. Qua khảo sát cho thấy, 67.000 em không có trang thiết bị để học trực tuyến, chủ yếu là các em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, ngoài những chương trình hỗ trợ của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, tỉnh Đắc Lắc đã và đang vận động các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân chung tay chăm lo cho học sinh khó khăn nói chung, học sinh người DTTS khó khăn nói riêng về trang thiết bị, đồ dùng học tập, bảo đảm để các em có đủ điều kiện học trực tuyến, học trên truyền hình. Đến nay, Viettel Đắc Lắc đã hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho Chương trình "Vì em hiếu học"; các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ 8.500 bộ sách giáo khoa và trang thiết bị học trực tuyến trị giá 1 tỷ đồng. Với sự chăm lo của toàn xã hội cho công tác giáo dục, nhất là ở vùng đồng bào DTTS, tỉnh Đắc Lắc phấn đấu đến cuối năm 2021, có 53% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,95%; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 70%, 105/152 xã đạt cả hai tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH