Cúng đất với mong muốn cầu một cuộc sống ấm no, an lành. Phong tục cúng đất ở nơi đây đã có từ lâu đời, thể hiện nét đẹp văn hóa vẫn liên tục được tiếp nối và phát triển trong đời sống tinh thần của người dân vùng “ngũ Quảng”.
Tại Thừa Thiên Huế, đồng bào các dân tộc duy trì tục cúng đất với tên gọi khác là lễ “tạ thổ kỳ yên”. Thông thường, mâm cúng đất có hai bàn, một bàn dành để cúng các vị thần lớn cai quản ở địa phương, bàn còn lại cúng các vị thần có chức sắc nhỏ hơn...
 |
Mâm cúng đất của người dân tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Bàn cúng đặt trước nhà, gia chủ đứng từ trong nhà khấn ra. Trên bàn cúng có đầy đủ bát hương, chân đèn, chén nước bài trí theo “thiết kế” của người xưa như “đông bình tây quả”, ngoài ra còn có vàng mã, giấy đất, hạt nổ (gạo muối, lương khô)... Phẩm vật thường có cơm, xôi, chè, thịt lợn, gà, cá chiên, các món xào, trộn... Bàn hạ còn có thêm đĩa cua luộc, cá nướng, bát cháo thánh (cháo trắng) và một số sắn, khoai, đậu, rau luộc... Trước khi cúng, gia chủ làm một cái “xà lắt” bằng bẹ chuối treo sát chân bàn, cúng xong thì bỏ vào đó mỗi món ăn một ít, sau đó người nhà sẽ mang ra ngã ba đường cái để treo. Anh Phan Đình Tuấn, người dân ở phường Xuân Phú, TP Huế cho biết: “Những người làm kinh doanh, buôn bán sẽ thực hiện cúng đất vào tháng 2. Bởi theo quan niệm của người Huế, tháng đầu năm bao giờ cũng là tháng có nhiều tài lộc, may mắn. Còn đối với những người bận rộn hay gia đình không làm kinh doanh, sẽ cúng vào tháng 8 âm lịch”.
Vào đời nhà Trần, khi Công chúa Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân của nước Chiêm Thành, nước Đại Việt nhận được sính lễ là vùng đất hai châu: Châu Ô, châu Lý (châu Rí), ngày nay là vùng đất từ phía nam tỉnh Quảng Bình cho đến phía bắc tỉnh Quảng Ngãi. Nơi này trước đây vốn là nơi định cư của người Chăm. Trong văn hóa tín ngưỡng, người Chăm thờ nhiều vị thần bản địa. Do vậy, người Đại Việt khi đến hai châu này lập nghiệp, vì chưa quen thổ nhưỡng, khí hậu nên có nghi thức cúng đất để thể hiện sự tôn kính đối với các vị thần linh bản địa và mong muốn cầu được an cư lạc nghiệp. Cúng đất là phong tục thể hiện tín ngưỡng dân gian, là nét văn hóa độc đáo, góp phần làm nên bản sắc riêng của con người miền Trung.
Bài và ảnh: TRẦN ĐÌNH SƠN