Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết một số nét khái quát về việc thực hiện chính sách cử tuyển đối với học sinh DTTS thời gian qua?
Đồng chí Lê Như Xuyên: Trước hết phải khẳng định, đây là một chính sách rất ý nghĩa, có vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo cán bộ, đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu hụt cả về số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cho vùng DTTS, miền núi. Đến nay, cả 53/53 DTTS đều đã có người được cử tuyển đi học ở các trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học. Có những DTTS trước đây rất khó khăn về nguồn tuyển sinh cử tuyển như dân tộc Co, Mảng, Rơ Măm, Cờ Lao, Giẻ Triêng, Cống, Pà Thẻn, Lô Lô, La Hủ, Brâu, Lự, nay đã có người học cử tuyển.
 |
Đồng chí Lê Như Xuyên. |
Từ năm 2007 đến 2013, tổng số học sinh cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là 12.805; số học sinh cử tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp là hơn 2.000 người. Nhiều sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp đã được địa phương bố trí, sắp xếp việc làm phù hợp, phát huy kiến thức, năng lực góp phần xây dựng quê hương. Tuy nhiên, những năm gần đây, do số sinh viên cử tuyển ra trường chưa bố trí được việc làm còn tồn đọng nhiều nên nhu cầu đào tạo cử tuyển của các địa phương giảm mạnh.
Năm 2015, chỉ còn 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu cử tuyển, số học sinh, sinh viên cử tuyển trên toàn quốc giảm còn 615 học sinh; năm 2016 tiếp tục giảm còn 313 học sinh. Thời điểm hiện nay chỉ còn 8 tỉnh, gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Điện Biên, Hòa Bình, Phú Yên, Ninh Thuận, Trà Vinh và Bạc Liêu là có nhu cầu đào tạo cử tuyển, với số lượng gần 100 người/năm.
PV: Việc thực hiện chính sách cử tuyển thời gian qua gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Như Xuyên: Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, nhưng việc thực hiện chính sách cử tuyển thời gian qua cũng còn một số vướng mắc, bất cập. Trước hết là công tác bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp cử tuyển rất khó khăn, diễn ra tình trạng tồn đọng kéo dài. Có địa phương gần 50% sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường không bố trí được việc làm. Cá biệt có người tốt nghiệp từ năm 2005 đến nay vẫn chưa tìm được công việc phù hợp, trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ sinh viên cử tuyển không bố trí được việc làm sau khi ra trường. Điều này vừa ảnh hưởng đến tương lai của sinh viên cử tuyển, vừa gây lãng phí xã hội lớn. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo sinh viên cử tuyển chưa cao, khả năng sáng tạo, khởi nghiệp, tự lập thân, lập nghiệp của sinh viên cử tuyển còn nhiều hạn chế...
Những bất cập trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan. Việc không bố trí được việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường một phần là do chủ trương tinh giản biên chế của Nhà nước, một phần do quy định đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển còn dàn trải, chưa tập trung vào các dân tộc, địa bàn thực sự khó khăn, cần ưu tiên, trong khi nhiều địa phương xây dựng kế hoạch chỉ tiêu cử tuyển và thực hiện cử tuyển thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn về nhân lực và vị trí việc làm. Chất lượng đào tạo sinh viên cử tuyển chưa cao, nguyên nhân một phần do tiêu chuẩn đầu vào còn thấp, công tác quản lý, đào tạo cử tuyển trong các cơ sở đào tạo cũng còn tư tưởng dễ dãi, châm chước...
 |
Một giờ học của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Tân Sơn (Phú Thọ) tháng 3-2021. Ảnh: HUYỀN TRANG. |
PV: Thưa đồng chí, thời gian tới, công tác cử tuyển sẽ được triển khai ra sao để mang lại hiệu quả tích cực?
Đồng chí Lê Như Xuyên: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8-12-2020 quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên DTTS. Nghị định có nhiều điểm mới, như: Đối tượng được cử tuyển tập trung vào các DTTS rất ít người (có số dân dưới 10.000 người), người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS; điều kiện (học lực, hạnh kiểm) để được cử tuyển cũng cao hơn...
Thời gian tới, các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc công tác cử tuyển theo đúng quy định của Nghị định số 141/2020/NĐ-CP. Trong đó chú trọng đến các nội dung: Tiêu chuẩn, chỉ tiêu, quy trình tuyển sinh và đào tạo cử tuyển, nhằm bảo đảm nguyên tắc cử tuyển là đúng mục đích, đối tượng, đúng tiêu chuẩn; khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Tăng cường trách nhiệm của các bộ, UBND cấp tỉnh và các cơ sở đào tạo cử tuyển để bảo đảm người đi học theo chế độ cử tuyển được xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển; đào tạo cử tuyển phải gắn với quy hoạch nguồn nhân lực, nguồn cán bộ của địa phương, của vùng. Các cơ sở đào tạo cần đặc biệt quan tâm tới học sinh, sinh viên cử tuyển, thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, các hoạt động văn hóa, thể thao và các chế độ sinh hoạt tại ký túc xá; quản lý chặt việc học tập và rèn luyện của từng học sinh, sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển; đồng thời thực hiện thật tốt cơ chế phối hợp quản lý trong quá trình đào tạo cử tuyển giữa cơ sở đào tạo và địa phương có người học cử tuyển. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác cử tuyển...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRUNG KIÊN - ĐỨC THỊNH (thực hiện)