Từ những năm 2007, 2008, nhiều cơ quan báo chí ở các địa phương như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau đã xuất bản thêm ấn phẩm bằng tiếng Khmer hoặc song ngữ Việt-Khmer để phục vụ công tác tuyên truyền trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. “Riêng Báo Cần Thơ, từ cuối năm 2007, ngoài báo in bằng tiếng Khmer còn có trang tin điện tử Cần Thơ tiếng Khmer được tích hợp trên Báo Cần Thơ điện tử”, nhà báo Trương Văn Chuyển, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Cần Thơ, Tổng biên tập Báo Cần Thơ cho biết. Không dừng lại ở đó, mỗi năm, Báo Cần Thơ còn phát hành miễn phí khoảng 240.000 tờ báo in bằng tiếng Khmer và các ấn phẩm song ngữ Việt-Khmer đến quý sư sãi ở các chùa, người có uy tín và cán bộ người dân tộc Khmer ở các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long và Hậu Giang.
 |
Nhiều ấn phẩm bằng tiếng Khmer và song ngữ Việt - Khmer được đông đảo đồng bào Khmer đón nhận. |
“Ấn phẩm song ngữ Việt-Khmer là kênh để đồng bào hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời góp phần giúp bà con hiểu sâu sắc hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình...”, Hòa thượng Thạch Hà, Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau, Hội trưởng Hội Ðoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau nhận định. Dưới góc độ là độc giả người dân tộc Khmer, ông Thạch Tùng Linh ở phường 9, TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Tôi đánh giá cao các ấn phẩm bằng tiếng Khmer và song ngữ Việt-Khmer bởi hình thức thể hiện phù hợp, hình ảnh sinh động, qua đó làm tăng hiệu quả tiếp nhận thông tin của người dân. Đặc biệt, ấn phẩm song ngữ Việt-Khmer dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, phù hợp với văn hóa đọc của đồng bào”.
Không chỉ cung cấp báo chí, những năm gần đây, đài phát thanh-truyền hình các địa phương: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau... cũng không ngừng cải tiến, đổi mới trong sản xuất các chương trình, chuyên mục bằng tiếng Khmer; tăng thời lượng phát sóng, mở rộng diện phủ sóng tới các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer. Đồng chí Tào Việt Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc) cho biết: “Thời gian qua, các địa phương ở ĐBSCL đã quan tâm, thực hiện phủ sóng phát thanh-truyền hình, mở rộng chương trình và tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng Khmer đến tất cả thôn, ấp trong vùng có đồng bào Khmer sinh sống. Qua đó giúp người dân thuận lợi trong nắm bắt thông tin, chính sách của Nhà nước đối với dân tộc mình”. Đơn cử như tại tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, nhờ có sự tham gia của các sư sãi, giáo viên tiếng Khmer nên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tăng khoảng 50% số lượng chương trình phát sóng bằng tiếng Khmer phục vụ công tác tuyên truyền. Hay như tỉnh Kiên Giang, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tổ chức sản xuất, phát sóng 5 chương trình tiếng Khmer mỗi ngày với tổng thời lượng 200 phút... Hiện nay, ngoài báo in, báo điện tử tiếng Khmer, vùng ĐBSCL có 8 chương trình truyền hình tiếng Khmer, 8 chương trình phát thanh tiếng Khmer của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương thực hiện. Trong đó, kênh phát thanh của cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại ĐBSCL mỗi ngày phát sóng một chương trình tiếng Khmer thời lượng 30 phút. Nội dung tuyên truyền tập trung vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những điển hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa... để bà con tham khảo, học hỏi.
Bên cạnh kết quả tích cực, những năm gần đây, mặc dù đội ngũ những người làm báo tiếng Khmer không ngừng phát triển, trình độ chuyên môn dần được nâng cao, song nguồn nhân lực phục vụ công tác tuyên truyền bằng tiếng Khmer ở các cơ quan báo chí khu vực ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn. Đồng chí Tạ Đình Nghĩa, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Nhiều năm nay, ở một số cơ quan báo chí vẫn còn thiếu những phóng viên, biên tập viên giỏi là người dân tộc Khmer; nhiều phóng viên làm công tác tuyên truyền bằng tiếng Khmer cũng chưa thực sự thấu hiểu văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, cách suy nghĩ của đồng bào dân tộc Khmer, vì thế, hiệu quả thông tin, tuyên truyền chưa cao. Mong rằng những hạn chế này sẽ được khắc phục trong thời gian tới”.
Bài và ảnh: PHONG PHÚ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.