Xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, là một xã thuần nông, thế nhưng có đến gần 2/3 số hộ nông dân không có đất để sản xuất. Họ phải đóng cửa nhà kéo nhau đến các thành phố lớn và các địa phương khác để làm thuê.

60% hộ nông dân không đất sản xuất

Lương An Trà là vùng đất kinh tế mới, được tách ra từ xã Lương Phi (huyện Tri Tôn) từ năm 1995. Toàn xã có 1.421 hộ với 6.508 nhân khẩu và 7.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Phần lớn diện tích đất trước đây của xã bị nhiễm phèn rất nặng nên chỉ trồng được cây tràm hoặc bỏ hoang. Nhờ cải tạo đất phèn, đưa nước ngọt vào ruộng nên giờ đây có những cánh đồng lúa màu mỡ, xanh tốt. Tuy nhiên chính quyền địa phương đang đau đầu về tình trạng nông dân không có đất sản xuất. Trao đổi với chúng tôi về tình trạng trên, đồng chí Huỳnh Thị Kim Thùy, Phó chủ tịch UBND xã Lương An Trà, cho biết:

- Là một xã thuần nông nhưng có đến 2/3 số hộ dân không có đất sản xuất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những năm về trước, phần lớn diện tích đất của xã là vùng kinh tế mới, thực hiện chương trình di dân đến khai hoang để phát triển kinh tế. Khi ấy, mỗi hộ dân được cấp từ 3 đến 4ha đất nhưng sau những năm đầu khai khẩn gieo trồng, do đất chưa tốt nên khi đưa vào thâm canh, lúa mất mùa, người nông dân bị lỗ nặng liên tục. Hơn nữa, khi vay vốn sản xuất gặp mất mùa liên tục nên phải cầm cố đất để xoay xở và cuối cùng đành bán luôn đất của mình.

Những căn nhà hầu như đóng cửa quanh năm vì gia chủ không có đất sản xuất phải đi làm thuê ở những nơi khác.

Những ấp trong xã có đến 50% số hộ không có đất sản xuất như ấp Ninh Phước, Giồng Cát, Cá Na,…. Trong khi đó, những năm gần đây xã Lương An Trà lại xuất hiện một loạt trang trại, mỗi trang trại sở hữu từ vài chục đến cả trăm ha đất sản xuất. Chị Kim Thùy cho biết thêm những chủ trang trại này đa phần từ ở những nơi khác, kinh tế khá giả, đến địa phương sang nhượng lại đất ruộng của những nông dân không còn đủ khả năng sản xuất. Chính vì có tiền đầu tư và thừa hưởng phần đất đã được người chủ khai hoang phục hóa đất trong vài năm liền nên giờ đây những đồng lúa của chủ mới trúng mùa. Trong khi đó, những nông dân nghèo trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất mình đã từng khai hoang.

Và những cuộc tha hương

Cách trung tâm huyện Tri Tôn khoảng 12 km và nằm trên tuyến trục đường chính (Tri Tôn – Vàm Rầy), nhưng xã Lương An Trà vẫn là xã thuộc chương trình 135 (xã nghèo-giai đọan 2). Vì vậy, chính sách cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất để thoát nghèo là giải pháp tối ưu. Qua trao đổi với một số cán bộ trong xã, điều chúng tôi nhận thấy là người dân nghèo đang sống trong vòng luẩn quẩn mà chưa có hướng tháo gỡ. Do thời kỳ khai hoang đất đai, nhiều hộ được ngân hàng xét duyệt cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, do đất chưa cải tạo được tốt nên liên tục thất mùa, từ đó nông dân nợ nần của xã tăng chóng mặt. Nhiều hộ chủ động thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn nhưng rồi trả không nổi vốn nên mất cả đất sản xuất. Hiện xã còn dư nợ hơn 3 tỷ đồng không có khả năng trả, vì vậy, giờ muốn xin vay thêm thì ngân hàng không giải quyết. Ngân hàng không giải quyết vì đa số hộ nghèo, không có đất sản xuất, khi vay được tiền thì đem về mua gạo ăn, còn đâu tiền để trả ngân hàng. Bởi vậy, hằng năm Nghị quyết của Đảng bộ xã đề ra mỗi năm phải giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 3 đến 5%. Nghị quyết đề ra năm nào xã Lương An Trà cũng đạt được, như năm 2007, số hộ nghèo giảm 7,21% nhưng số hộ tái nghèo của xã lại tăng lên trên 3%.

Giải pháp phát triển kinh tế của xã đến nay vẫn chưa có hướng ra, vì có đến 2/3 số hộ không có đất sản xuất. Cũng theo số liệu từ UBND xã Lương An Trà, từ đầu năm 2008 đến nay đã có 157 lao động của xã xin đi làm công nhân ở các thành phố lớn. Ngoài ra, khoảng 2.500 người ở độ tuổi lao động (kể cả học sinh bỏ học) trong xã phải đi làm thuê làm mướn như cắt lúa ở nhiều địa phương khác. Chính từ việc không có ruộng đất sản xuất phải làm thuê làm mướn nên nhiều hộ dân đóng cửa nhà đi quanh năm, chỉ về ăn Tết một hai ngày là đi làm trở lại. Nhiều cặp vợ chồng cắt lúa mướn có con nhỏ thì gửi ông bà nội, ngoại hoặc dẫn con theo rồi dựng lều chõng giữa đồng ruộng để ở tạm. Cắt hết đồng lúa này họ lại di chuyển qua đồng khác, nên việc học hành của con em coi như bỏ. Theo thống kê năm học 2007, tỉ lệ học sinh phổ thông bỏ học lên đến 17% và trong những tháng đầu năm 2008 tỉ lệ bỏ học đã tăng thêm 5% nữa. Nguyên nhân học sinh bỏ học là do đa số các em sống trong gia đình không có đất, theo cha mẹ cắt lúa mướn để kiếm tiền. Nhiều giáo viên trên địa bàn xã than thở nhà trường thường xuyên vận động các em đến lớp nhưng hễ tới vụ cắt lúa là các em lại bỏ học. Vì tiền công cắt lúa cao, nhiều phụ huynh thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến tương lai của các cháu. Giải bài toán phát triển kinh tế ở xã Lương An Trà quả thật không dễ, một cán bộ của xã cho biết, xã đã tổ chức rất nhiều lớp dạy nghề, nhiều người học xong lấy chứng chỉ nghề nhưng không có vốn và tư liệu sản xuất đành đóng cửa nhà, treo chứng chỉ nghề lên dàn bếp để đi cắt lúa mướn.

Vậy Lương An Trà sẽ phải làm gì để người dân có cuộc sống vươn lên, câu hỏi trên mong chính quyền huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang nghiên cứu đưa ra giải pháp thích hợp, để người dân không phải quanh năm đi cày thuê cuốc mướn.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÁ