 |
Cháy chợ Lớn Quy Nhơn (ảnh TNOnline.com.vn) |
Người xưa có câu “Nhất thủy, nhì hỏa” quả là không sai. Những tài sản trị giá bạc tỷ bị thiêu rụi, những cái chết thương tâm do “giặc lửa” làm kinh hoàng cho hàng triệu người trên hành tinh đã từng xảy ra không trừ một quốc gia nào. Với nước ta, hàng chục vụ cháy liên tiếp xảy ra, đặc biệt là vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn trong tháng cuối năm 2006 càng làm cho vấn đề này thêm nóng.
Theo thống kê cho thấy, riêng Thủ đô Hà Nội trung bình xảy ra 300 vụ cháy/năm, ước tính 17 triệu đồng bị thiêu trong một giờ! Cháy xảy ra thật đa dạng: Cháy chợ, cháy vũ trường, cháy khách sạn, cháy kho tàng... Nguyên nhân cháy cũng có nhiều, vụ do vô ý từ mẩu tàn thuốc lá, vụ là do chập điện, vụ do khí gas và đôi khi chỉ do những nén hương thắp trong ngày rằm, mồng một... Rõ ràng, bất kể mùa nào, lúc nào và ở mọi nơi đều có thể xảy ra cháy, nổ! Đồng chí Nguyễn Trọng Mậu-Cán bộ đội Cảnh sát PCCC Giảng Võ cho hay: Có ngày xe chữa cháy phải lên đường tới 3 lần, cháy sáng, cháy đêm, cháy trong ngày nghỉ. Khi có cháy xảy ra, lính chữa cháy không còn có khái niệm giờ nghỉ, ngày nghỉ nữa!
Được biết, ở một số thủ đô của các nước có nền công nghiệp phát triển thường bố trí theo tỷ lệ: 3km2 khu dân cứ có một đội xe chữa cháy. Chỉ tính riêng quận 20 của Thủ đô Pa-ri (Pháp) đã có tới 700 xe chữa cháy. Ngoài ra, họ còn có những sân bay túc trực, những máy bay chữa cháy đặc chủng, sẵn sàng ứng phó với những tình huống nóng bỏng nhất... Nhưng đó là chuyện ở xứ người, còn ở ta thì sao? Nhiều vụ cháy lớn ở thành phố Hồ Chí Minh phải huy động tới cả những xe chữa cháy của ngành hàng không đến chi viện. Nhiều phương tiện, thiết bị chữa cháy quá lạc hậu, cũ kỹ không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật cần được loại bỏ nhưng vẫn được dùng vào việc chữa cháy. Điển hình phải kể tới là chuyện xe chữa cháy chết máy giữa đường trong vụ cháy chợ Lớn Quy Nhơn. Xưa chúng ta có những đội chữa cháy tại chỗ do dân phòng đảm trách ở các phường, với đủ đầy các phương tiện thô sơ như: Gàu vẩy, thuyền chữa nước, câu liêm, thang… Các cơ quan mô hình nào cũng vậy. Còn bây giờ ý thức phòng cháy nhiều lúc, nhiều nơi bị mai một, đôi khi chỉ cốt sao những đợt diễn tập phong trào có tham gia…là được. Bởi thực tế mấy khi ai đã kiểm tra, xem cơ sở tính sẵn sàng chiến đấu với “ông hỏa” ra sao? Bởi còn bao thứ phải lo toan quan trọng hơn “ông hỏa” nhiều. Đi trên đường phố ngày nay, chúng ta đã bắt gặp những xe chữa cháy hiện đại của nước ngoài. Theo một sĩ quan cảnh sát PCCC tiết lộ: Hà Nội mới nhập 1 xe chữa cháy cỡ 1 triệu USD có cầu thang vươn tới tầng thứ 20 của một tòa nhà! Với hơn 50 đầu xe hiện có (kể cả xe “ốm đau”) thì việc chữa cháy đối với Thủ đô Hà Nội quả là một vấn đề nan giải. Riêng huyện Sóc Sơn chưa có đội xe chữa cháy. Mọi người còn nhớ năm nào cháy 63 héc-ta rừng của Sóc Sơn, xe cứu hỏa của Hà Nội có lên chi viện, nhưng xe nào đỗ gần cũng cách khoảng 2km, có quăng đường ống để cho dòng nước chảy tới những đám cháy thì có khác chi như muối bỏ biển. Lại thêm đường ống bị hở, thủng châm kim nước thoát ra “đi chơi”, coi như bằng không. Và ống nước lấy đâu cho đủ để dùng cho 1 đoạn đường dài 2 km như vậy, có đủ đường ống cho 1 xe chữa cháy thì những xe ô tô khác lại phải đứng “trồng cây si”, buộc cán bộ, chiên sĩ quân đội và nhân dân phải lao vào dập lửa bằng biện pháp… thủ công, cứu rừng(!?)
Hà Nội đã phát triển sau 20 năm đổi mới của đất nước, bề rộng thì công tác an ninh phải đảm bảo. Về chiều cao, những nhà chữa cháy lại phải lo, nào là Hà Nội Hilton, Tháp Hà Nội, Khu Nhân Chính, Trung Hoà… sơ sơ cũng hơn 2 chục toà nhà cao tầng, trong tương lai còn nhiều toà nhà cao ngất ngưởng hơn nữa. Hiện nay, Hà Nội có 7 đơn vị Cảnh sát PCCC như: Tứ Kỳ, Giảng Võ, Phan Chu Trinh, Đông Anh… mỗi đơn vị có 6 xe chữa cháy. Quan sát kỹ thấy trong đội hình ấy vẫn còn loại xe “Zin 130” của Liên Xô chứa được 2m3 nước, xe đời mới chứa được 3,5m3 áp lực phun nước của vòi rồng lên được 52mét, tương đương với tầng 15 của một toà nhà cao tầng. Việc báo cháy thì mọi người đã quen với số điện thoại 114. Trước đây, trạm Tứ Kỳ còn có chòi quan sát để phát hiện điểm cháy trong thành phố. Điều phiền toái cũng đã xảy ra bởi ai đó đã “vô công rồi nghề”, không cháy lại báo cháy, làm mất thời gian của lính cứu hoả, thật là đáng trách! Hà Nội cũng đã nghĩ đến và xây dựng hệ thống đường nước chữa cháy dẫn tới những tuyến phố chính, những điểm quan trọng, nhưng xem ra hệ thống này còn nhỏ bé chưa phát huy hết tác dụng, hay có ụ nước nhưng lại không có nước, lâu ngày bị rỉ sét “hỏi thăm”. Cá biệt, có cơ quan bình bọt chữa cháy treo trên tường đỏ lòm nhưng khi thử nhấc một bình lên thì thấy nhẹ tõm và không sử dụng được, hỏi sao vậy? Câu trả lời nghe cứ như không: “Chưa có kinh phí để nạp khí”!
 |
Hỏa hoạn bùng phát từ nhiều phía tại khu vực Chợ Lớn Quy Nhơn (ảnh TNOnline.com.vn) |
Lại có chỗ, một đoạn phố nước chảy lênh láng, tìm hiểu nguyên do, thì té ra người ta đang tổng vệ sinh bằng việc dùng vòi chữa cháy phun thẳng lên cửa sảnh thế thì đất, cát nào mà chịu nổi, chúng bị trôi ra đường, hậu quả thế nào, đã có mấy bác môi trường dọn rồi(!). Việc làm khó với xe chữa cháy khi có đám cháy xảy ra phải kể đến những: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhà tôi ở đó…” bốc lửa, xe không tiếp cận được, rồi những cột bê tông được chôn xuống đường để chống xe ôtô vào phá hỏng đường vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nơi. Cái khó thứ hai đó là nguồn nước thiên nhiên. Theo thống kê khi về tiếp quản Thủ đô, Hà nội có tới 110 hồ nước lớn nhỏ, nhưng sau nhiều năm đô thị hóa số hồ ao bị lấp dần, nên việc lấy nguồn nước này cũng bị hạn chế. Có lẽ, cái khó vô hình mà mấy khi người đời nhìn thấy, đó là ngoài số sĩ quan có số ở các đơn vị Cảnh sát PCCC của Hà Nội, đa phần là những lính nghĩa vụ, nghề thì rõ là nguy hiểm, nhưng khoản lương của họ lại không phải là loại lương hiểm nguy, chưa đầy 200.000đ/tháng. Sự sản xuất và tái sản xuất chưa ‘tỷ lệ thuận” với nhau, nên anh em vẫn còn nhiều lăn tăn là điều dễ hiểu.
Về lý thuyết thì ai cũng hiểu có đám cháy phải đầy đủ 3 yếu tố: chất cháy, ôxy, nguồn nhiệt. Lượng ô xy nhỏ hơn 14% thì không bao giờ có cháy (cuộc sống đời thường của mỗi người lượng ôxy cần đến là 21%). Việc không thể có xảy cháy nghe rất đơn giản là loại một trong 3 yếu tố kể trên, nhưng thực tế, vẫn để chúng “về hợp phố”, nên nông nỗi khôn lường. Sự xem nhẹ khâu phòng cháy, chữa cháy hiện nay là thật đáng báo động, không ít cơ quan chỉ đối phó khi có đoàn kiểm tra, thậm chí cần cho đi mượn một số dụng cụ chữa cháy ở đơn vị bạn về đơn vị mình cho đủ bộ, xong đợt kiểm tra lại đem trả (!). Có vụ cháy xảy ra, bảo vệ cơ quan không hề biết do đêm bận “kéo gỗ” trót buổi tối thưởng thức chút men gạo, khi xảy ra cháy họ còn thảng thốt: “Bọn em tý chết về cháy, mấy con chó béc giê sủa ầm lên (nghe dân kể lại) chúng em cũng không hề biết, rồi chúng lần lượt “hy sinh” hết vì cháy (!).
…Tháng 4-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về “phòng cháy, chữa cháy”. Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy vào đầu thế kỷ thứ 21. Về pháp lý như vậy là rất đầy đủ, nhưng khơi dậy ý thức tự giác phòng cháy, chữa cháy là phải từ mỗi công dân ở mọi lúc, mọi nơi không thể phó thác cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Bài học về cháy chợ Đồng Xuân (Hà Nội), cháy Tòa nhà ITC (TP Hồ Chí Minh), cháy chợ Lớn Quy Nhơn… vẫn chưa đi vào quên lãng. Nguyên nhân cháy nổ do con người gây ra tới 99%. Cháy do san bình gas, cháy do mang chất nổ lên xe khách như đã xảy ra ở Bắc Ninh, ở huyện Núi Thành. Cái cháy xảy ra lúc đầu hốt hoảng, lâu ngày lại quên, lại bình chân như vại của ai đó như tiếp tay cho “thần lửa”? Để công tác phòng, cháy chữa cháy được xã hội hóa, trở thành “Không của riêng ai”đâu phải là chuyện dễ? Chữa cháy và không để lây lan có lẽ không quan trọng bằng tính chủ quan, xem thường Pháp lệnh chữa cháy và lại cho “lây lan” sang người khác còn nghiêm trọng hơn nhiều! Ngọn lửa đã đưa con người lên tận vũ trụ, ngọn lửa làm chín thức ăn nuôi sống con người, trớ trêu, bên cạnh nguồn vui, nỗi buồn đến thê thảm do ngọn lửa gây ra đâu phải là nhỏ? Phòng cháy hơn chữa cháy là chuyện không bao giờ cũ!
Nguyễn Văn Thế